Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử đánh
dấu sự ra đời của nhà nước Nga Xô viết. Cách mạng Tháng Mười do Vladimir Ilyich
Lenin và Ðảng Bolshevik lãnh đạo nổ ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1917, thành
công vào ngày 7 tháng 11 năm 1917. Với “Mười ngày rung chuyển thế giới”, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra thời
đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế
giới, mở ra khả năng khách quan cho các dân tộc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa
quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực
sinh động, từ một nước trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa, là chỗ dựa và động
lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới. Cách mạng
Tháng Mười Nga, từ chỗ chỉ là “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã trở thành hiện thực
và là xu thế không thể đảo ngược của lịch sử nhân loại. Với sự xuất hiện và tồn
tại gần 80 năm của nước Nga Xô viết, nhân loại đã được chứng kiến những biến đổi
kỳ diệu của đời sống con người trên diện tích một phần ba trái đất; chiến thắng
oanh liệt của Hồng quân Liên xô trước chủ nghĩa Phát Xít đã cứu loài người khỏi
thảm họa phát xít, Liên Xô trở thành thành trì hòa bình của thế giới…
Một cuộc cách mạng mà kết quả
đưa đến sự thay đổi căn bản bộ mặt và tiến trình lịch sử thế giới ngót 100 năm
- một cuộc cách mạng cực kỳ vĩ đại như vậy làm sao có thể nói là một biến cố ngẫu
nhiên, một bước đi lầm lạc của lịch sử?! Cuộc cách mạng ấy thật sự có nguyên
nhân sâu xa từ trong quy luật phát triển xã hội và trực tiếp từ một tình
thế cách mạng đã chín muồi. Nó có tính tất yếu lịch sử vĩ đại. Nó là sản phẩm
những mâu thuẫn thế giới và những mâu thuẫn nội bộ nước Nga đương thời, là kết
quả sự lớn mạnh của các lực lượng cách mạng Nga và thế giới, trong đó giai cấp
công nhân Nga là bộ phận giác ngộ nhất, có tổ chức nhất của phong trào công
nhân quốc tế lúc bấy giờ.
Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại các dân tộc bị áp bức
vùng lên tự giải phóng. Cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một dòng thác lớn,
góp phần làm biến đổi cục diện chính trị thế giới. Các dân tộc bị áp bức tìm thấy
ở Cách mạng Tháng Mười con đường mới cho sự nghiệp giải phóng, tìm thấy ở Liên
Xô và các nước xã hội chủ nghĩa một hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh
giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa là thành quả
đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, song không thể nào hình dung được thành quả
ấy nếu không có vai trò mở đường của Cách mạng Tháng Mười. Sau Cách mạng Tháng
Mười, sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc là sự kiện lịch sử lớn
thứ hai trong thế kỷ 20.
Dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của Cách mạng
Tháng Mười Nga, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến và đập
tan ách thống trị của bọn thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại;
tiếp đến là Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực
dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn
động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo
toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng
liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên
khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa
cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và
Cam-pu-chia.
100 năm qua kể từ Cách mạng Tháng Mười, sự nghiệp
cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của các dân tộc bị
áp bức đã trải qua nhiều chặng đường với những thắng lợi và thành tựu vĩ đại,
nhưng lại có những vấp váp, sai lầm, tổn thất hết sức nghiêm trọng. Toàn bộ thực
tiễn cho thấy: Giành chính quyền đã khó, giữ cho được chính quyền càng khó hơn
trăm ngàn lần. Thực tiễn cách mạng vô cùng phức tạp đòi hỏi chúng ta phải tổng
kết, nghiên cứu thật sâu sắc.
Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học
kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng
ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng
CNXH ở Việt Nam . Cách mạng phải luôn biết tự bảo vệ, trước hết có nghĩa là Đảng phải biết tự
bảo vệ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, kiên quyết làm thất bại mưu toan
“diễn biến hòa bình” của kẻ thù, trước hết là về mặt hệ tư tưởng. Kinh
nghiệm Liên Xô cuối những năm 80 của thế kỷ trước cho thấy, một khi hệ tư tưởng
đã tan rã thì dẫu còn tồn tại, Đảng cũng chỉ như cái xác không hồn. Để bảo vệ CNXH,
bảo vệ Đảng thì vấn đề căn bản nhất, sâu xa nhất, vấn đề của mọi vấn đề là
Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn trên những nguyên tắc thật
sự mác - xít – Lê-nin-nít, phải kiên quyết chống tha hóa biến chất, chống
quan liêu, tham nhũng dưới mọi hình thức, ở tất cả các cấp. Chỉ một đảng
thật sự trong sạch cả về phẩm chất đạo đức, cả về tổ chức và hệ tư tưởng -
mới có thể trở thành một đảng vững mạnh, một đảng sáng suốt, không chệch hướng
về chính trị, một đảng có khả năng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân
tin yêu, một đảng duy nhất có khả năng đưa nhân dân và dân tộc vượt qua mọi
nguy cơ thử thách để tiến lên. Đó là bài học xương máu của cách mạng xã hội chủ
nghĩa.
Ngày nay, tình hình thế giới
còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Song, học
thuyết Mác - Lê-nin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vẫn
luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết
tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH và hội nhập
quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng,
vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi
lên xây dựng CNXH, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa