Việt Nam
là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh
tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên
3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển,
các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện
tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất
liền có 1km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành
phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong
lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với
quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam .
Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ đã cho thấy quá trình gắn
bó với biển cả của dân tộc từ những ngày đầu dựng nước. Hình ảnh Lạc Long Quân
dẫn 50 người con trai xuống biển đã cho thấy tổ tiên ta không chỉ gắn bó với đất
liền mà còn gắn bó với biển khơi. Đây được xem là tư duy sơ khai về quá trình
chinh phục biển của người Việt cổ.
Hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn khẳng định từ lâu dân
tộc ta đã gắn bó với sông nước, lấy thuyền làm phương tiện sinh sống. Trải qua
quá trình chống chọi với thiên nhiên, những đợt biến tiến rồi biến thoái, một tầng
lớp cư dân đã hình thành trên cơ sở của một vùng đồng bằng trù phú, phì nhiêu.
Đó là một trong những nét độc đáo thể hiện tính chất bản địa của những nhóm cư
dân thời dựng nước, trong đó có cư dân của nước Văn Lang.
Sau khi nước ta rơi vào ách thống trị của các thế lực phong kiến
phương Bắc, những cư dân ven biển phía Bắc cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề. Sau
khi đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938), Ngô Quyền xưng vương, khôi
phục nền độc lập của dân tộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ - kỷ nguyên Đại Việt.
Dưới thời kỳ nhà Trần, quân dân ta đã ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược,
trong đó nhà Trần khởi dựng được sự nghiệp từ những người đánh cá ven biển Nam
Định - Ninh Bình ngày nay.
Dưới thời kỳ phong kiến, vấn đề chủ quyền lãnh hải luôn được các
triều đại chăm lo quản lý. Thời Lý đã thiết lập những trang, thời Trần thiết lập
những trấn, thời Hậu Lê đặt tuần kiểm ở các xứ cửa biển, các đồn, các đảo... để
quản lý biển, thu thuế của các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển nước ta.
Thời Nam - Bắc triều rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, với việc các chúa Nguyễn
cho thành lập và biến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành một tổ chức của nhà nước,
quyền làm chủ lãnh hải của nước ta được xác định chính thức.
Các thành viên trong đội Hoàng Sa, Bắc Hải là những người thông
thạo nghề đi biển và có nhiều kinh nghiệm quý báu hoạt động ở những vùng biển
nhiều đảo san hô. Sang thời Tây Sơn các đội Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn được chính
quyền sở tại duy trì hoạt động.
Trong lịch sử, thủy quân nước ta từng đứng vào bậc nhất, nhì ở
Đông Nam Á. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trên sông biển
đã hình thành nên những trận thủy chiến oanh liệt được ghi vào sử sách như: chống
giặc Quỳnh Châu từ phía bắc, diệt Hồ Tôn từ phía nam (thời Hùng Vương); quân thủy
Lê Chân làm khiếp đảm quân địch ở vùng biển Hải Phòng ngày nay (thời Hai Bà
Trưng); chặn đánh Trần Bá Tiên ở sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt, đầm Dạ Trạch (thời
Lý Nam Đế); đánh quân Đường, vây thành Đại La (thời Mai Thúc Loan); trận Bạch Đằng
lần thứ nhất đánh bại quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938); trận Bạch Đằng lần
thứ hai đánh bại quân Tống xâm lược lần thứ nhất của Lê Hoàn (981); đánh tan
Châu Khâm, Châu Liêm (1705), chặn đứng quân Tống xâm lược lần thứ hai thời Lý
(1077).
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba
(1288), dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân và dân ta đã lập
nên chiến công vang dội trên sông Bạch Đằng lịch sử, tiêu diệt toàn bộ đạo quân
thủy của địch, bắt sống các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, buộc Thoát
Hoan phải rút chạy về nước, qua đó chấm dứt hoàn toàn cuộc xâm lược Đại Việt của
nhà Nguyên. Những nhân vật tài giỏi về hoạt động trên sông biển như Trần Khánh
Dư, Yết Kiêu, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái... đã lập nên những
chiến công xuất sắc, làm rạng rỡ nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta.
Vào các thế kỷ 16, 17 và những năm đầu thế kỷ 18, thủy quân Việt
Nam cũng làm nên những chiến thắng vang dội trước các đội thủy quân xâm lược của
phương Tây như trận đánh thắng hạm đội của Tây Ban Nha năm 1595, hai lần đánh
thắng hạm đội của Hà Lan trong các năm 1642, 1643, đánh thắng hạm đội của Anh
năm 1702.
Dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tổ chức và
phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng được một đội thủy quân hùng mạnh vào bậc
nhất Đông Nam Á. Quân thủy Tây Sơn đã nhiều lần vào Nam ra Bắc đánh đổ hai tập
đoàn phong kiến chúa Trịnh (ở Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (ở Đàng Trong). Năm
1785, Nguyễn Huệ đã trực tiếp chỉ huy quân thủy tấn công và giành thắng lợi
vang dội trước quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút trong trận quyết chiến chiến lược
lịch sử.
Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt từ sau khi Cách mạng
Tháng Tám 1945 thành công, để bảo vệ chủ quyền nước ta, các tổ chức dân quân ở
các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Quân và dân ta vừa
bám sông, bám biển đánh chìm nhiều tàu thuyền của địch, vừa lợi dụng sông biển
để tổ chức vận tải phục vụ kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo sáng
suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã liên tiếp
giành được nhiều thắng lợi to lớn cả trên đất liền và trên sông biển, tiến tới
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam
thật sự là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển,
phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân ven biển hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ được giao. Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông được xem là một sáng tạo
độc đáo của quân và dân ta, đã góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến
trường miền Nam và đã trở thành huyền thoại.
Ngày nay, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982,
nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện
tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2).
Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng
Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, với
vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn
phía Đông của đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng
làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt
Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia
trên các vùng biển.
Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải
qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phần lớn thư tịch cổ quốc gia trong
các giai đoạn đó đã bị quân xâm lược tiêu hủy với mục tiêu xóa sạch văn hóa Việt
để dễ bề đồng hóa. Tuy nhiên, chỉ với những tài liệu chính sử còn lại đến nay cũng
đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật
pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo
đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp
phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền
đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền
là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự,
liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán
quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế
giới.
Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều
cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng
trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới
nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề
thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập
và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một
cách liên tục và hòa bình.
Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong
phú, mặc dù như đã nói, do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ
của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay
và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng
cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là,
nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ
XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844
- 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn
(1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát
Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các
quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc
tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ
Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá
dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải
đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, hay Đại Trường
Sa, Bãi Cát Vàng... Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều
có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội
Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các thể
lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được Nhà
nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời
chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình
Nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn
Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc
các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia.
Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản
lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn
buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan
ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật... Từ năm 1930 đến 1932, các tàu
chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên
tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân trú
đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố
trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26-7-1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông
Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách
quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một
đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung
Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã
cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.
Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ
sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46
phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần
Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ
quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà
không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ
chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở
đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Từ những năm 50 của
thế kỷ 20 tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Lợi
dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève năm
1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông của quần đảo
Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân
Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Quân
đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 "ngư dân” Trung Quốc.
Đối với nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền
VNCH tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải
quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VNCH và Chính
phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động
xâm lược này của Trung Quốc. Năm 1975, chính quyền VNCH sụp đổ, Hải quân Quân đội
Nhân dân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội VNCH cai quản trên Biển
Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của người
Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành
chính nhà nước thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như
hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển
nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở
quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng
trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dưới ánh sáng của
pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng
định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa.
Công ước Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển được
hưởng quy chế thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên. Đây là chủ quyền
chuyên biệt, không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay
tuyên bố minh thị. Mọi sự tùy tiện chiếm cứ của nước ngoài dù có bằng vũ lực
hay không đều bất hợp pháp và vô hiệu lực. Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo
Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa
Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt
Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các
nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt
Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới
đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về
mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của
lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường
Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục
địa của Việt Nam.
Một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt
động liên quan tới Biển Đông là phải tuân thủ pháp luật chung mà cộng đồng quốc
tế, trong đó có các quốc gia ven Biển Đông, đã dày công xây dựng - Công ước
Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 của. Khi vận dụng Công ước để thực thi chủ
quyền và quyền chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của mình, các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền
và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Trong thời đại văn minh, sử dụng vũ lực,
đe dọa sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm lãnh thổ nước khác đã bị pháp luật quốc tế
nghiêm cấm. Vũ lực cũng sẽ không phải là cách thức đúng đắn để giải quyết các
tranh chấp ở Biển Đông. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế,
tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng các quy định của Công ước Luật
Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy
đủ các cam kết trong DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC), cùng chung sức theo hướng biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị
và hợp tác là thể hiện sự hành xử của những quốc gia văn minh, tôn trọng sự thật
lịch sử cũng như thượng tôn pháp luật quốc tế mà chính mình đã công nhận và ký
kết.
Tình hình Biển
Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt
trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng kinh tế và thềm lục địa của Việt
Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển năm 1982 và các tuyên bố, thỏa thuận khác có liên quan. Nhiệm vụ bảo
vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối
với cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các lực lượng, trong đó có đội
ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới,
khu vực, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch và những tác động của
mặt trái nền kinh tế thị trường, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng
viên và quần chúng trong các cơ quan, đơn vị phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện,
nâng cao trách nhiệm, có quyết tâm mạnh mẽ để giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ
quốc. Là một giảng viên trong nhà trường quân đội, tôi thấy cần quan tâm tập
trung các vấn đề cơ bản sau:
Một là, thường xuyên
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò,
trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là vấn đề cơ bản đầu
tiên giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nâng cao nhận thức và vai trò, trách
nhiệm của mình đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ
chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần toàn diện; trong đó, tập
trung quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là bảo
vệ chủ quyền biển, đảo được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X)
về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng
và Luật Biển Việt Nam... Qua đó, giúp mỗi người nhận thức rõ tầm quan trọng của
biển, đảo, ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo
vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ đúng
sai, không để các thế lực thù địch lấy danh nghĩa bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa để
lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn
xã hội, phá hoại mối quan hệ với các nước láng giềng.
Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần đa dạng hóa hình thức,
phương pháp cho phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, từng đối tượng. Cấp ủy Đảng,
chính quyền các cấp cần phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhằm tạo
nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và gắn kết chặt chẽ với việc
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần
chúng để giáo dục họ. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và tăng tính hấp dẫn
nên đa dạng các hình thức, như: Thông tin thời sự, giáo dục truyền thống, các
bài học kinh nghiệm và gương các anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược, khẳng
định chủ trương thông điệp hòa bình của chúng ta; tính chính nghĩa, cơ sở pháp
lý, bằng chứng lịch sử không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa... Thông qua các cuộc vận động và chương trình hành động của mỗi
cán bộ, đảng viên và quần chúng với nhiều cách làm thiết thực, như: Góp đá xây
Trường Sa; ủng hộ chiến sĩ, kiểm ngư và ngư dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Biển
Đông... Phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội và các phương tiện
thông tin đại chúng tạo sức mạnh tổng hợp... tạo ra môi trường lành mạnh để cán
bộ, đảng viên và quần chúng tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình, hướng
đến mục tiêu chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí bảo vệ chủ
quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày càng bền vững trong mỗi cán bộ, đảng viên và kể
cả quần chúng. Niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí là những phẩm chất bên trong
của mỗi người rất cần thiết và không thể thiếu, giúp họ thực hiện các nhiệm vụ
được giao. Nếu không có niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí thì không thể làm
được bất cứ việc gì, chưa nói đến bảo vệ Tổ quốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
“muốn làm chủ nước nhà phải luôn nêu cao cảnh giác cách mạng và không một phút
nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập”.
Vì thế, ngay từ bây giờ, cần phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải
có niềm tin, thái độ, động cơ đúng, ý chí vững vàng để tu dưỡng, rèn luyện, phấn
đấu vươn lên, gương mẫu trong công tác và học tập, nêu cao ý chí chiến đấu,
tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy tính sáng tạo, vượt mọi khó khăn và có
quyết tâm lớn để đưa cách mạng đến thành công.
Ba là, chú trọng xây dựng
quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực cho mỗi cán bộ, đảng viên, kể cả
quần chúng đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên cơ sở
nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và củng cố được niềm tin, thái độ, động cơ, ý
chí vững vàng, phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng phát huy cao nhất
vai trò, trách nhiệm thông qua hiện thực hóa những giá trị đó thành quyết tâm
và hành động cụ thể, thiết thực trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân; trong đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng trong mỗi cơ
quan, đơn vị là lực lượng quan trọng. Do đó, phát huy vai trò của họ đối với
nhiệm vụ này là vấn đề có ý nghĩa to lớn và qua đó đề ra những giải pháp đúng
nhằm định hướng dư luận và ổn định dư luận để cùng nhau có những hành động thiết
thực, cụ thể góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cùng phát triển. Đồng
thời, phản tuyên truyền đối với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
lợi dụng vấn vấn đề Biển Đông để chống phá Đảng, Nhà nước, gây kích động, chia
rẽ trong nội bộ Đảng và ngoài Nhân dân.
Bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa