Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỂM XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


                                                                    
Các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội đang và sẽ ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Gần đây, họ cho rằng, con đường mà Việt Nam muốn đi là thứ chủ nghĩa tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đối lập nhau. Thực hiện mưu đồ này, chúng ra sức bôi đen CNXH hiện thực, bác bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, công khai ca ngợi chế độ tư bản chủ nghĩa và ra sức cổ súy, tô son, trát phấn cho chủ nghĩa tư bản, rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, chủ nghĩa tư bản có thể hội tụ với CNXH trong thời đại hậu công nghiệp, văn minh tin học. Họ lấy một số khuyết điểm, yếu kém của ta về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để quy chụp cho bản chất của CNXH, xuyên tạc rằng, ở nước ta không có CNXH. Trong khi nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, họ lại đòi hỏi những nhân tố của CNXH phải xuất hiện đầy đủ ngay ở nước ta. Tiến công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng, phải phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết những vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó theo CNXH dân chủ!
Những luận điệu nói trên của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội không có mục đích nào khác là gây sự hoài nghi; phá vỡ sự đồng thuận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân ta đối với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta đi vào con đường tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, việc đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố, giữ vững sự kiên định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay.
Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”(1). Đây là một sự tổng kết lịch sử cách mạng Việt Nam, vạch rõ nguồn gốc sâu xa mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chỉ rõ mục tiêu, lý tưởng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục kiên định trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.
Gần một thế kỷ qua, đó là khoảng thời gian đủ để mỗi người Việt Nam kiểm nghiệm và rút ra kết luận về sự đúng đắn, sáng tạo của mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua cho thấy, độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta xác định là mục tiêu, là cái đích phải đến của cách mạng Việt Nam ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng (1930). Từ đó cho đến nay, độc lập dân tộc và CNXH luôn luôn là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và CNXH trong từng thời kỳ cách mạng là nét độc đáo, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, căn cứ vào tình hình của thế giới, khu vực và đất nước, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng; trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ đường lối, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phù hợp với yêu cầu của lịch sử.
Đặc biệt, khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hình thế giới, khu vực có những biến đổi to lớn và cực kỳ phức tạp. Độc lập dân tộc và CNXH đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Trước những biến cố của lịch sử trong những thập niên 90 của thế kỷ 20, công cuộc cải cách, cải tổ, đổi mới CNXH đã trở thành một đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, sai lầm trong quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; tìm ra con đường phát triển thích hợp của CNXH hiện thực đối với mỗi nước.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta khẳng định, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH mà chính là để đạt mục tiêu đó một cách ó hiệu quả bằng những phương pháp, bước đi thích hợp, phù hợp với quy luật để nhanh chóng đưa đất nước thoát  khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khắc phục sự tụt hậu, chệch hướng, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ thực tiễn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã tổng kết, rút ra một trong những bài học quan trọng: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định độc lập dân tộc và CNXH tiếp tục là kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với những đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của thời đại và tình hình đất nước. Kết hợp độc lập dân tộc và CNXH phải đặt trong xu thế phát triển của thời đại và quá trình vận động của các nhân tố dân tộc, giai cấp trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của xu thế toàn cầu hóa. Quan hệ giữa các quốc gia-dân tộc trên thế giới được hình thành và vận động trên cơ sở tác động tổng hợp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giải quyết những vấn đề toàn cầu. Sự kết hợp, đan xen và thống nhất giữa lợi ích dân tộc, giai cấp, quốc tế tạo ra động lực mới cho sự phát triển các quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Độc lập dân tộc và CNXH là hai mặt của một quá trình thống nhất biện chứng của sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đương nhiên, hành trình đi tới mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH thực hiện cùng với
những thời cơ, thuận lợi mới, chúng ta vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức. mới. Lê-Nin đã từng căn dặn những người cộng sản, không bao giờ được chán nản hoặc rơi vào tuyệt vọng. Cần phải kiên định con đường đã chọn, biết củng cố, nuôi dưỡng niềm tin vào thắng lợi ngay cả trong những thời điểm, những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; không bi quan, dao động, mất niềm tin trước những khó khăn, thử thách. Phải nhạy cảm nắm bắt cái mới, giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời, phải linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để thực hiện mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và CNXH, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.



1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa