Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

HÃY CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC


 Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội dồn dập những thông tin bịa đặt về tình hình sức khỏe của một số lãnh đạo cấp cao; chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước; hay tin đồn về việc đổi tiền… gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an nguy đất nước. Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng thì nhiều ý kiến chuyên gia nhận định việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, để làm rõ nhiều vấn đề, xác định các hành vi sử dụng mạng xã hội xâm phạm đến an ninh quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
 Mạng xã hội được ví như con dao hai luỡi khi vừa mang lại nhiều giá trị tích cực cho đời sống, bên cạnh đó lại ẩn chứa nhiều bất cập, hiểm họa khó lường với vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc được lan truyền một cách rộng rãi, nhanh chóng, làm ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, kinh tế của đất nước. Điển hình là vừa qua, tin đồn ác ý của facebook Trương Huy San (Osin Huy Đức) về việc Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà “bị bắt”, và chỉ sau một ngày giá cổ phiếu của BIDV giảm kịch sàn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiệt hại 2 tỷ USD.
Nhận thấy việc lợi dụng mạng xã hội đạt được mục đích của mình, Trương Huy San tiếp tục chuyển mục tiêu qua tấn công các lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Với những bài viết của một số trang mạng tiêu cực đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi Nhật chữa bệnh, y đã tận dụng thông tin chia sẻ bài viết, lèo lái theo hướng phế truất Chủ tịch nước, gây nhiễu lọan dư luận. Tuy nhiên, sự thật đã sáng tỏ khi Chủ tịch nước xuất hiện với hình ảnh khỏe mạnh, tiếp Đại sứ Cuba được đăng tải rộng rãi trên truyền thông. Những tưởng vụ việc sẽ dừng lại tại đó, thì một số trang như Việt Tân, Thuy Trang Nguyen… lại thêu dệt cho rằng đó là người khác thay thế vì khuôn mặt và vóc dáng của Chủ tịch nước gầy hơn trước. Thậm chí còn có đối tượng trắng trợn nói đó là người của Trung Quốc cài cắm vào, gây hoài nghi trong dư luận, thông tin này ngay lập tức đã được cư dân mạng bão like và chia sẻ rầm rộ.
Trước đó, khi thông tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, một số đối tượng lại suy diễn vô căn cứ, hướng lái từ vụ án kinh tế nghiêm trọng thành vụ án chính trị, nội bộ, phe cánh trong bộ máy nhà nước đang đấu đá lẫn nhau, dẫn đến hỗn loạn truyền thông, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao với các nước.
Có thể thấy, bằng cách tận dụng không gian mạng, âm mưu của các đối tượng không chỉ là xuyên tạc, bôi nhọ, khoét sâu và thổi phồng vấn đề, đánh vào sự hiếu kì của dư luận mà còn kích động làm người dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Trên thế giới, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, kinh tế đã được một số nước xếp ngang hàng với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đất nước. Như Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học. Trước bối cảnh trên, câu hỏi đặt ra là, pháp luật Việt Nam đang xếp loại hình tội phạm hoạt động trên không gian mạng ở mức độ nào?
Khi cách mạng công nghệ 4.0 phát triển chóng mặt trên toàn cầu, những quốc gia có dân số trẻ như Việt Nam sẽ không đứng ngoài xu thế đó, với lượt người truy cập và sử dụng internet tăng cao, đặc biệt là mạng xã hội. Chính vì vậy, nguồn thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng và phong phú, nó thể có thể là những tin tức thời sự đang diễn ra, hay chỉ là những bình luận, quan điểm cá nhân của bất kì ai. Chỉ cần một cú kích chuột, một tấm ảnh, dòng trạng thái được chia sẻ có thể hủy hoại uy tín của lãnh đạo nhà nước, doanh nghiệp cũng như bất kì cá nhân, tổ chức nào.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn khi đấu tranh với các tội phạm có hành vi lợi dụng mạng để xâm phạm an ninh quốc gia là việc thu thập, củng cố chứng cứ, làm sao chứng minh các tài liệu được đăng trên không gian mạng của đối tượng đã là một vấn đề hết sức đau đầu. Bởi suy cho cùng, trên thế giới mạng, việc xác định tài khoản được cho là của đối tượng có thực sự do đối tượng trên thực tế lập ra, quản lý và đăng tải thông tin hay không là rất khó. Bên cạnh đó, nếu hệ thống máy chủ của các đối tượng chuyên nói xấu, vu khống người khác đặt tại Việt Nam thì việc truy tìm danh tính người vi phạm, xử lý tương đối dễ còn với các trường hợp máy chủ đặt tại nước ngoài, việc truy tìm còn khó khăn hơn.
Hiện nay chúng ta đã ban hành một số đạo luật tương đối đầy đủ về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trên mạng. Tuy nhiên, để xử lý các đối tượng lợi dụng không gian mạng tung những tin độc hại như thời gian vừa qua thì hệ thống pháp lý của chúng ta chưa thật sự đủ mạnh, còn bộc lộ một số hạn chế. Từ đó cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng một đạo luật riêng về an ninh mạng, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhất, phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ban, ngành, kết hợp chặt chẽ việc ngăn chặn, phát tán những thông tin độc hại trên mạng xã hội.
Mới đây, Bộ Công an đã đề xuất, đưa ra dự thảo Luật An ninh mạng và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định đây là việc làm đi đúng với xu thế của thế giới và hơn hết đơn vị thực hiện là Bộ Công an, với kinh nghiệm đấu tranh, có kỹ thuật, nghiệp vụ, truy tìm dấu vết, thường xuyên tiếp xúc các loại tội phạm thì việc lên bản thảo và triển khai sẽ phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trên thực tế, nhiều kẻ chuyên viết bài tung tin bôi nhọ nhằm vào một số đồng chí lãnh đạo đăng trên các trang mạng từ nước ngoài như Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Hữu Vinh đã bị cơ quan Công an điều tra, khởi tố và bị tuyên án hình sự như Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần… Bên cạnh đó, lực lượng công an không chỉ điều tra những vụ xuyên tạc, nói xấu, vu khống trên không gian mạng mà còn truy tìm các hoạt động của các đối tượng tấn công mạng, tội phạm hình sự như đe dọa giết người, lừa đảo trên hệ thống trực tuyến.
Bên cạnh vệc bảo vệ an ninh quốc gia trong phạm vi lãnh thổ đất nước thì chúng ta cần bảo đảm an ninh trên không gian mạng. Do đó, để đảm bảo một môi trường không gian mạng lành mạnh, thì cần ban hành một văn bản luật chặt chẽ, xác định cụ thể hành vi sai phạm, dấu hiệu sai phạm, hoạt động của các đối tượng trên không gian mạng để xử lý nghiêm minh. Và muốn quản lý tốt không gian mạng, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là điều cần thiết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét