Sau sự
tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 – đầu
thập niên 1990, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng từ cả bên ngoài
và bên trong, gây xáo trộn mạnh về chính trị - tư tưởng đối với các Đảng Cộng sản,
Đảng Công nhân, đội ngũ cán bộ, đảng viên và một bộ phận không nhỏ quần chúng
nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực phản động đã
ra sức công kích, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội bằng
nhiều luận điệu tiêu cực như: chủ nghĩa
xã hội là cái thai đẻ non của lịch sử nên tất yếu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội
không còn phù hợp với thời đại mới nên đã thất bại, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã
hội ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh tính chất sai lầm ảo tưởng của chủ nghĩa
Mác-Lênin trong thực tế..v.v. Vì vậy, nhận thức đúng đắn nguyên nhân dẫn đến
sự tan rã của Liên Xô và Đông Âu là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Gần 30
năm đã trôi qua, đến nay chúng ta đã có cái nhìn đầy đủ và đúng đắn về sự sụp đổ
của Liên Xô và Đông Âu, đó là kết quả tổng hợp của những nguyên nhân khách quan
và chủ quan mang lại, trong đó nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quyết định.
Thứ nhất, việc duy trì trong một
thời gian dài mô hình quản lý tập trung, kế hoạch, bao cấp, đã khiến chủ nghĩa
xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trở thành xơ cứng, giáo điều, là nguồn gốc tình trạng
trì trệ và khủng hoảng kinh tế - xã hội ở các nước này trong thập niên 1980 đến
1990. Trong khi các nước tư bản từ sau cuộc khủng hoảng năng lương thập niên
1970 đã không ngừng cải cách, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, nâng cao
năng suất lao động, bỏ xa Liên Xô và Đông Âu về nhiều mặt, thì các nhà lãnh đạo
ở liên Xô và Đông Âu vẫn chủ quan, kiêu ngạo tự cho mô hình chủ nghĩa xã hội của
mình là đúng đắn, không có gì sai sót, không tiến hành sửa chữa, thậm chí còn
áp đặt nó đó lên các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Thứ hai, khi nhận thức được sự
trì trệ, Liên Xô đã lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, nên vội vã
tiến hành cải tổ một cách ồ ạt trên cả bốn mặt: tự do hóa kinh tế, dân chủ hóa
chính trị, phi ý thức hệ tư tưởng và mở cửa ra bên ngoài. Chính đường lối phiêu
lưu, mạo hiểm này đã làm bùng nổ và lan tràn đến mức không thể kiểm soát nổi
các mâu thuẫn chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, sắc tộc, các xu hướng ly
tâm, cấp tiến hóa, cực đoan hóa... Đặc biệt, việc vi phạm một cách có hệ thống
các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội khoa học của ban lãnh đạo Liên Xô đứng
đầu là Gorbachev trong quá trình cải tổ, nhất là việc "tự nguyện" từ bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản với toàn xã hội, không chỉ tạo điều kiện cho các lực lượng phản động
ngóc đầu dậy chống đối Đảng Cộng sản Liên Xô, mà còn hủy hoại triệt để cơ cấu
quyền lực của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, khiến cho xã hội lâm vào rối
loạn, mất phương hướng, tan rã là điều không thể tránh khỏi.
Thứ ba, chủ nghĩa
đế quốc và các thế lực phản động đã tiến hành một cách toàn diện các hoạt động
chống phá Liên Xô, Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa, bằng nhiều âm mưu, thủ
đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn, kết hợp gây sức ép bên ngoài với thúc đẩy tự
chuyển biến ở bên trong như: khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém; liên
kết tiến hành bao vây, cô lập phá hoạt kinh tế, ngoại giao; đẩy mạnh cuộc chiến
văn hóa-tư tưởng, truyền bá giá trị Mỹ; gây dựng lực lượng đối lập, mua chuộc bộ
phận cán bộ lãnh đạo cao cấp... Đặc biệt, chính Mỹ đã bắt tay với các nước OPEC
tiến hành hoạt động phá giá dầu mỏ, làm cho ngân sách Liên Xô thất thu hàng tỷ
đô la từ việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh
tế Liên Xô vốn đang đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế - xã hội...
Như vậy, sự sụp
đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu là kết quả tất yếu từ quá trình tích tụ những
sai lầm, khuyết điểm không được sửa chữa, khắc phục đúng đắn trong quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước này, với các hoạt động chống phá điên cuồng
của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đứng đầu là Mỹ, chứ không phải do
“sai lầm hệ thống của Chủ nghĩa Mác –
Lênin” như các thế lực thù địch đang tuyên truyền, xuyên tạc. Sự sụp đổ của
Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội,
nói cách khác đó là sự thất bại của một cách thức, một hướng đi xây dựng chủ
nghĩa xã hội trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội của loài người, phản ánh
tính chất quanh co phức tạp, khi tiến, khi lùi của lịch sử. Những bài học thành
công trong quá trình đổi mới, cải cách ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước xã hội
chủ nghĩa còn lại là minh chứng hùng hồn cho sức sống của chủ nghĩa xã hội. Sự
phục hồi của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự xuất hiện phong trào
cánh tả Mỹ latinh và cuộc đấu tranh của nhân loại để thực hiện mục tiêu hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội đã phản ánh xu thế tất yếu của
loài người là tiến lên lên chủ nghĩa xã hội, đúng như nhận định của Đảng ta vào
thời điểm năm 1991, khi chủ nghĩa xã hội hiện thực rơi vào hoàn cảnh khó khăn
nhất: "lịch sử thế giới đang trải
qua những bước quanh co, nhưng loài người cuối cùng nhất định tiến tới chủ
nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét