Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

TÍCH CỰC ĐẤU TRANH, PHÒNG CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG NƯỚC TA




T
ừ khi ra đời, lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: vấn đề dân tộc, tôn giáo và đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”[1], đồng thời “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”[2].
  Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, vấn đề dân tộc, tôn giáo đã, đang và sẽ tồn tại lâu dài. Việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là vấn đề dân tộc thiểu số, nó vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề miền núi, vừa là vấn đề biên cương, vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, đồng thời đây cũng là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta. Chừng nào còn có sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo thì dân tộc, tôn giáo vẫn tồn tại và vẫn còn cơ sở xã hội và thực tiễn cũng như nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo, do đó, vấn đề dân tộc và tôn giáo vẫn tiếp tục đặt ra, nhất là khi bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm mê hoặc, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo để chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, chế độ ta.
Với chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khoá IX (2003) về công tác dân tộc, công tác tôn giáo đã thực sự đem lại những thành tựu quan trọng trong trong giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Đông đảo tín đồ các tôn giáo thuộc các dân tộc khác nhau cùng đồng bào không theo đạo trong cả nước đã đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” và hợp thành khối đoàn kết thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta những năm qua cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như: việc nhận thức và bảo đảm đảm bảo quyền của các dân tộc, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong khuôn khổ của pháp luật nhiều nơi còn hạn chế; sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển, điều kiện sống, mức thu nhập giữa các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa; hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo nhiều nơi còn yếu; bộ máy tham mưu, giúp việc về công tác dân tộc, công tác tôn giáo ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở; nội dung, phương thức vận động quần chúng tín đồ, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo còn thiếu đa dạng và hiệu quả… cùng với đó, tình hình xã hội nói chung và tình hình dân tộc, tôn giáo nói riêng ở nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Từ 1930, khi Đảng ra đời đã lãnh đạo Cách mạng, thực tiễn đã chứng minh, tôn giáo và dân tộc là hai lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng cho những mục đích chính trị khó lường. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình” với phương châm chống phá về chính trị, tư tưởng làm hàng đầu, kinh tế là mũi nhọn, ngoại giao làm hậu thuẫn, tôn giáo dân tộc làm ngòi nổ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, uy hiếp, răn đe, gây sức ép về quân sự, từng bước làm suy yếu tiến tới xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Một số năm gần đây, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng tinh vi, thâm độc với nhiều hình thức và thủ đoạn tiêu biểu là: lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để mê tín, mê hoặc quần chúng, lừa đảo, trục lợi; sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền đạo trái phép; lợi dụng những sơ hở, sai sót của chính quyền để gây áp lực buộc ta phải thừa nhận tư cách pháp nhân của một số tôn giáo mới, tìm mọi cách từng bước đưa giáo hội vào đời sống chính trị, xúi giục các giáo hội đòi lập khu tôn giáo tự trị, khơi dậy, khoét sâu những mâu thuẫn, những vấn đề tôn giáo và dân tộc, tạo cớ can thiệp chính trị, vu cáo ta “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”, từ đó chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động quần chúng nổi dậy chống phá chính quyền, gây bạo loạn đổ, làm suy yếu tiến tới làm sụp đổ Nhà nước XHCN… 
Hiện nay và trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ các phần tử phản động, cực đoan là người dân tộc thiểu số lưu vong và trong các tổ chức tôn giáo trong nước để phát triển đạo trong vùng dân tộc ít người, bao gồm cả các đạo mới và cả số lượng người theo đạo, biến các tổ chức và hoạt động tôn giáo thành các tổ chức và hoạt động chính trị nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta đang là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Truyền thống của Quân đội ta là luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng bào tôn giáo và đồng bào các dân tộc anh em. Với chức năng là đội quân chiến đấu, sản xuất và công tác, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTW, BQP và Tổng cục Chính trị, toàn quân đã thường xuyên tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; chủ động, tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương động viên, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường QP-AN, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần quan trọng vào củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đặc biệt, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, trực tiếp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta.
Những thành tựu đó là to lớn tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo nói chung và trong đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng của Quân đội ta vẫn còn vấn đề phức tạp nảy sinh cần quan tâm giải quyết, cụ thể:
Về nhận thức lý luận: vẫn còn một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ chức năng công tác của quân đội, còn xem nhẹ công tác dân tộc, tôn giáo; hiểu biết về tình hình dân tộc, tôn giáo, nhất là tính chất chính trị trong các hoạt động tôn giáo ở địa bàn đóng quân chưa cao; nội dung, phương thức tiến hành công tác vận động quần chúng - nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo còn nhiều lúng túng, cá biệt còn có tư tưởng coi nhẹ hoặc chú trọng biện pháp hành chính bạo lực; công tác nghiên cứu, dự báo đánh giá tình hình hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo vừa chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời vừa chưa thấy hết được tính chất, mức độ nguy hiểm, phức tạp của các hoạt động chống phá trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo; quy chế phối hợp giữa quân đội và công an trong trao đổi thông tin, nhận định tình hình, thống nhất phương án, biện pháp đấu tranh, xử lý các vụ việc phức tạp lợi dụng tôn giáo còn nhiều bất cập…
Về nhận thức thực tiễn: công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở một số đơn vị quân đội chưa thường xuyên, đầy đủ. Việc phối hợp giữa đơn vị quân đội với các ban, ngành, lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong đấu tranh phòng chống hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chưa thật hiệu quả; vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc, tín đồ tích cực trong các tôn giáo chưa được phát huy cao độ; nội dung, hình thức và phương pháp vận động quần chúng tín đồ chưa sát với đặc điểm từng đối tượng và địa bàn cụ thể; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng với tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân. Một số đơn vị chưa thật tích cực chủ động thực hiện vai trò làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương trong xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bố trí và sử dụng những quân nhân cùng tộc người, cùng tín ngưỡng, tôn giáo trong các đơn vị có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ hiểu biết về tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong quân đội còn hạn chế…
Bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc hiện nay được Đảng ta chỉ rõ: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Các mục tiêu trên là một bước phát triển mới về tư duy bảo vệ Tổ quốc của Đảng trước những diễn biến mới của tình hình thế giới tác động  đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tình hình trong nước những năm tới, sự ổn định chính trị tiếp tục được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp như: tụt hậu xa hơn về kinh tế - xã hội, chệch định hướng XHCN, sự suy thoái tư tưởng đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” không những vẫn tồn tại, có mặt bộc lộ rõ hơn và xuất hiện nhiều yếu tố mới phức tạp hơn. Đặc biệt các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng… Tình hình trên cho thấy, việc giữ vững hoà bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Để giữ vững môi trường hoà bình lâu dài và ổn định chính trị, không để xảy ra bạo loạn về chính trị, một trong những nhiệm vụ cụ thể hiện nay là phải chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những nhân tố bên trong có thể dẫn đến đột biến bất ngờ trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Cùng với việc đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, tôn giáo phải luôn nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh phòng chống âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để bị động bất ngờ, lấy giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính. Đồng thời phải có biện pháp phân hoá, cô lập bọn đầu sỏ, ngoan cố; xử lý nghiêm những người cố tình chống đối, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc; không để hình thành các tổ chức phản động đối lập dưới bất cứ hình thức nào…
Thực tiễn tình hình mới nói chung và vấn đề dân tộc, tôn giáo nói riêng đang có những biến đổi phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động lớn đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn như: vấn đề xây dựng thế trận lòng dân ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo như thế nào; cơ chế phối hợp giữa quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ra sao; công tác vận động quần chúng trong đấu tranh phòng chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; phương thức đấu tranh vũ trang và phi vũ trang của quân đội đối với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; kết hợp đối ngoại quân sự với đối ngoại dân tộc, tôn giáo ra sao… Vì vậy, Quân đội tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta cần thực hiện tốt các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ chiến sĩ trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta
Để tích cực hơn nữa vai trò của quân đội trong đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hiện nay, cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ chiến sĩ trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chính là nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm, đề cao cảnh giác cách mạng của cán bộ chiến sĩ trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta. Hơn nữa, làm tốt công tác này là để quân đội ta tránh bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, trước các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo. Bởi vì, nhận thức đúng chính là cơ sở để mọi quân nhân có động cơ, thái độ đúng đắn, phát huy trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm cao, có biện pháp cụ thể và tự giác hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp tiến hành công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận, công tác tôn giáo trong quân đội
Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến hiệu quả quân đội đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hiện nay. Xét cho cùng, chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác dân tộc, tôn giáo phụ thuộc chính yếu vào chủ thể tiến hành. Bởi vì, cán bộ chiến sĩ có đủ năng lực, có phương pháp, tác phong công tác tốt, họ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc lựa chọn, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực, tác phong tiến hành công tác dân tộc, tôn giáo của bộ đội, nhất là các lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận, công tác tôn giáo (các tổ, đội công tác) là một giải pháp cơ bản để nâng cao vai trò quân đội trong đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Thứ ba, phối hợp đồng bộ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng thế trận lòng dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo vững mạnh
Cơ sở chính trị địa phương vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng hiện nay ở nước ta. Bởi vì, cơ sở địa phương là nơi trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; nơi trực tiếp đấu tranh giữa ta đối với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chống phá ta trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ. Quân đội tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo vững mạnh là nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, gắn liền với xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Đó là góp phần tăng cường đoàn kết quân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận của quân đội gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo
Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình” nói chung, đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nói riêng. Bởi vì, đối tượng, địa bàn và tính chất hoạt động ở cơ sở phát triển đa dạng và phức tạp. Những nội dung, hình thức công tác đã tổng kết trước đây, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng có nội dung, hình thức không còn phù hợp thực tế hiện nay. Do đó, công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo của các đơn vị cơ sở trong quân đội đòi hỏi phải vận dụng và đổi mới các nội dung, hình thức, biện pháp sao cho có hiệu quả với từng đối tượng, từng địa bàn và với từng loại hình đơn vị quân đội. Việc đổi mới, đa dạng hoá các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác dân vận, thiết thực phát huy vai trò của quân đội trong đấu tranh với việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Như vậy, để Quân đội thực sự tích cực trong đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch chống phá cách mạng nước ta hiện nay cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng,   có tinh thần chiến đấu cao, tiến hành  đồng bộ từ nhận thức đến hành động, tích cực xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức trực tiếp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, làm tốt công  tác vận động quần chúng nhân dân, đồng thời là lực lượng nòng cốt đi đấu trong đấu tranh làm  thất bại mọi âm mưu phá hoại của  các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia – dân tộc và công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét