Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh
chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch
còn ra sức tuyên truyền kêu gọi thực hiện cái gọi là “đa nguyên, đa đảng; đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội lại xuất
hiện nhiều “ý kiến đóng góp” yêu cầu xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 1992,
“xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” nhằm mở đường thực hiện đa
nguyên, đa đảng. Vậy phía sau những luận điệu này là gì? Phải chăng Việt Nam nên đa
nguyên, đa đảng?
Trong lịch sử, chế độ đa nguyên, đa đảng đã sớm xuất hiện vào
đầu thế kỷ XVIII. Đây là thời điểm giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng xã
hội tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ
quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự
do dân chủ tư sản. Song cùng với bước phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đặc
biệt từ khi CNTB tự do cạnh tranh chuyển thành CNTB độc quyền (chủ nghĩa đế quốc),
ý nghĩa tích cực ban đầu của đa nguyên, đa đảng đã hoàn toàn không còn. Dù đã
tìm mọi cách để che đậy song giai cấp tư sản vẫn không thể phủ nhận được sự thực: mục đích cuối cùng, mục tiêu duy nhất của chế
độ đa nguyên, đa đảng trong xã hội tư bản là bảo đảm quyền lực của giai cấp tư
sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột bằng mọi giá.
Một số ít người do thiếu hiểu biết đã ít nhiều tin vào những
luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch mà lầm tưởng cứ nhiều đảng cạnh
tranh thì sẽ dân chủ hơn. Nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, đặc biệt là Mỹ,
bên cạnh xã hội được coi là “miền đất hứa” với những ánh mỹ kim hào nhoáng, vẫn
còn tồn tại một “xã hội” khác hoàn toàn với đầy rẫy những bất công, bạo lực,
đói nghèo, thất nghiệp, mất dân chủ,… Mỹ có 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng Cộng
hòa và Dân chủ thay nhau cầm quyền, tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập song
xét về bản chất đó chỉ là một đảng - đảng của giai cấp tư sản. Dù Đảng Dân chủ
hay Đảng Cộng hòa nắm quyền cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đều nhận sự
tài trợ của các tập đoàn kinh tế, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản. Vì
thế, dân chủ ở Mỹ không gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho
một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội. Trong khi đó, dân chủ suy đến
cùng là quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân lao động. Do vậy,
chế độ đa nguyên, đa đảng không bao giờ và không thể mang lại những giá trị dân
chủ đúng nghĩa.
Đối với nước ta, Điều 4, Hiến pháp hiện hành của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khẳng định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước,
lãnh đạo xã hội”. Trong các kỳ Đại hội, Đảng luôn nhất quán vấn đề này. Đặc biệt,
Đại hội XI, XII của Đảng ta đã khẳng định: Việt Nam không cần có đa đảng. Điều khẳng
định này hoàn toàn không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của Đảng ta như sự
xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà dựa trên những cơ sở khoa học cụ thể về
cả lý luận và thực tiễn.
Cần phải nói thêm là thực tế không phải lịch sử Việt Nam chưa từng
có chế độ đa nguyên, đa đảng song chính lịch sử đã sớm phủ định chế độ đó. Nhìn
lại lịch sử dân tộc, đã có thời điểm đa nguyên, đa đảng xuất hiện tại Việt Nam . Năm 1946,
trước yêu cầu cách mạng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố tự giải tán và mở rộng Chính phủ dân tộc do Hồ Chủ
tịch đứng đầu với sự tham gia của nhiều đảng phái đối lập như Việt Quốc (Việt
Nam Quốc dân đảng); Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội),… Nhưng cùng với
dòng chảy của cách mạng, những tổ chức, đảng phái đó kẻ phản động “bán nước cầu
vinh”, người xem nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc nên đã bị chính lịch sử và nhân
dân ta loại bỏ. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng
cuốn gói chạy theo, trên vũ đài chính trị nước ta duy nhất chỉ còn lại Đảng Cộng
sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng khoa học,
đúng đắn đã đại diện quyền lợi của nhân dân lao động, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, một lần nữa lịch sử và nhân dân lại lựa chọn
Đảng ta là lực lượng chính trị có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam . Được sự
“hà hơi, tiếp sức” của đế quốc Mỹ, nhiều đảng phái đã được bè lũ tay sai Ngô
Đình Diệm thành lập ở miền Nam Việt Nam . Song do mục đích chính trị của
những đảng phái này là phá hoại tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà, đi
ngược lại lợi ích của nhân dân lao động nên nhân dân ta đã đoàn kết đấu tranh
loại bỏ những đảng phái chính trị đó. Từ sau năm 1975 đến nay, nền chính trị nhất
nguyên với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được củng cố và phát triển
toàn diện một lần nữa đã khẳng định tính tất yếu khách quan Đảng Cộng sản Việt
Nam độc tôn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo ở Việt Nam hoàn toàn
không đồng nghĩa với việc mất dân chủ, triệt tiêu dân chủ như các thế lực thù địch
đã và đang ra sức xuyên tạc. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt
Nam, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đều có sự tham gia đóng góp
ý kiến của quần chúng nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi. Đường lối, chủ
trương của Đảng luôn được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng
của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.
Trong quá trình chuẩn bị cho các kỳ Đại hội, Đảng ta đã tổ chức lấy ý kiến nhân
dân và nhận được hàng vạn ý kiến tâm huyết của nhân dân cả nước. Quốc hội nước
ta đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992. Đây chính là những biểu hiện cao nhất, sinh động nhất của việc
phát huy dân chủ xã hội, đề cao quyền làm chủ thực sự của nhân dân lao động.
Cùng với những mặt trái của nền kinh tế thị trường, với tinh
thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, chúng ta không phủ nhận ở đâu
đó trong xã hội vẫn còn có những biểu hiện thiếu dân chủ nhưng đó chỉ là những
hiện tượng riêng lẻ, là những thiếu sót, những hạn chế cụ thể trong quá trình
xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Không thể xem đó là bản chất của Đảng
ta, không thể coi đó là bản chất của nền dân chủ mà toàn Đảng, toàn quân và
toàn dân ta đang gắng sức xây dựng; càng không thể dựa vào những hiện tượng đó
để yêu cầu thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam .
Bài học về thực thi dân chủ sai nguyên tắc trong quá trình cải
tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay vẫn còn
nguyên giá trị. Từ khi chấp nhận bỏ Ðiều 6 trong Hiến pháp Liên Xô, đã dẫn đến
tình trạng xuất hiện đa đảng và hậu quả là Ðảng Cộng sản Liên Xô dần đánh mất
quyền lãnh đạo. Những sự thỏa hiệp về “dân chủ hóa”, “công khai hóa” hay “đa
nguyên chính trị” chính là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt
động chống phá, góp phần làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước
Đông Âu nhanh chóng sụp đổ. Có thể khẳng định, phía sau những luận điệu hô hào
đòi “đa nguyên, đa đảng; đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không có mục
đích gì khác ngoài những động cơ chính trị đen tối, là mưu đồ xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam .
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam trong 30 năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn, làm thay
đổi căn bản bộ mặt kinh tế, chính trị - xã hội đất nước, nâng cao đời sống của
nhân dân lao động, bảo đảm dân chủ xã hội,… Chính những thành tựu đó đã một lần
nữa khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có vai trò lãnh đạo cách mạng
giải phóng dân tộc mà còn có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa,
xây dựng chủ nghĩa xã hội và mang lại cho nhân dân lao động cuộc sống thực sự ấm
no, tự do, hạnh phúc.
Như vậy, thể chế nhất nguyên - Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn
lãnh đạo - ở nước ta chính là sự chọn lựa đúng đắn của lịch sử. Do đó vấn đề đặt
ra hiện nay với chúng ta không phải là lựa chọn một đảng hay đa đảng mà là phải
thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở đẩy
mạnh cuộc vận động “xây dựng và chỉnh đốn Đảng” gắn với thực hiện Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt quán triệt và thực hiện có hiệu quả
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng
Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng Về tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyễn hóa” trong nội bộ.
Mục đích là để củng cố lòng tin của nhân
dân vào Đảng, xây dựng Đảng ta vững mạnh, “thực sự là đạo đức, là văn minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét