Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu sụp đổ, mô hình CNXH xây dựng trong thế kỷ XX (1917-1991) được coi là quan liêu bao cấp, duy ý chí, chưa phải là chủ nghĩa xã hội (CNXH) đích thực. Cho nên, một số nước XHCN còn lại đều đưa ra mô hình riêng theo quan điểm, nhận thức của mình. Việt Nam là một trong những nước XHCN còn lại tiếp tục con đường XHCN và đã đạt được những thành tựu to lớn, “có ý nghĩa lịch sử”.
Tiếp tục con đường XHCN là kiên định xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đồng thời với việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong những năm qua, Đảng và nhân dân ta nỗ lực phấn đấu và kiên định xây dựng một xã hội như thế; cho nên, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tiếp theo. Trong nhiều năm liền, nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, Việt Nam đã là điểm sáng về thành tựu xóa đói, giảm nghèo; trở thành “điển hình về phát triển và bảo đảm quyền con người”; do thực hiện tốt chính sách “hòa hợp dân tộc”, nên các dân tộc đều đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, chính trị ổn định, Việt Nam là môi trường đầu tư an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm hấp dẫn khách du lịch quốc tế, v.v.
Thực tiễn trên không những được nhân dân trong nước thừa nhận, mà còn được các tổ chức, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục sự kiên định con đường phát triển của đất nước một cách có cơ sở lý luận và thực tiễn. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay diễn ra trong bối cảnh đất nước và quốc tế có những thời cơ và thách thức đan xen. Chúng ta phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, kiên định con đường XHCN.
1. Tiếp tục khẳng định độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Đây là vấn đề cơ bản, xuyên suốt, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi trong giai đoạn trước đây cũng như từ nay về sau. Để xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường XHCN. CNXH đích thực vẫn là tương lai của nhân loại, vẫn là xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại; vì CNTB hiện đại tuy có một số ưu điểm, thành tựu nhưng không thể khắc phục được quy luật vốn có của nó mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra (quy luật khủng hoảng kinh tế chu kỳ, quy luật diệt vong tất yếu của nó...). Sự sụp đổ của nền tài chính Mỹ và các nước tư bản phát triển ở Tây Âu vừa qua phải chăng báo hiệu sự tất yếu đó của CNTB hiện đại.
Tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-9-2008, Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di - Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) - đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay; đồng thời, “tái xây dựng một CNTB điều chỉnh2. Vấn đề đặt ra là, vì sao lại phải tái xây dựng CNTB điều chỉnh? phải chăng nó đã hoàn toàn không có khả năng tránh khỏi khủng hoảng chu kỳ? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng CNTB hiện đại đã không thể tránh được các cuộc khủng hoảng chu kỳ mà nó còn làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng, biến khủng hoảng kinh tế quốc gia thành cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng sâu sắc đến mức sự can thiệp của nhà nước có nền kinh tế lớn nhất hành tinh (Mỹ) với hơn một ngàn tỉ USD nhưng hiệu quả vẫn rất thấp và người ta còn đang lo ngại về nguy cơ quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Cuộc khủng khoảng đầu tiên của CNTB hiện đại trong thế kỷ XXI đã làm “sống lại” học thuyết Mác - LêNin. Tại Đức, C.Mác đã được bình chọn là công dân Đức vĩ đại nhất trong mọi thời đại, trong các dân tộc và là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới đương đại. Tại Nga, V.I.LêNin cũng được đánh giá là một trong những người vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại của thế kỷ XX. Như vậy, trong sự bất lực của thể chế kinh tế TBCN hiện đại, nhân loại đã phải trở về với học thuyết của chủ nghĩa Mác - LêNin để tìm lời giải đáp. Thêm vào đó, những năm gần đây sự xuất hiện trào lưu mới (cánh tả) hay còn gọi là CNXH Mỹ La-tinh, chứng tỏ con đường XHCN vẫn là xu thế phát triển của thời đại.
Ngày nay, khi mà nhân loại đang tiến tới thời đại kinh tế tri thức (KTTT) thì những tiêu chí của CNXH và chủ nghĩa cộng sản có nhiều cơ sở để trở thành hiện thực; mặc dù, thời gian có thể phải nhiều năm. KTTT là nền kinh tế phát triển dựa trên tài nguyên trí tuệ là chủ yếu với những đặc điểm nổi bật: về lực lượng sản xuất, là nguồn nhân lực với vốn trí tuệ ngày càng cao; về quan hệ sản xuất, sở hữu và sử dụng luôn có sự đan xen và mở rộng, phân phối và trao đổi mang tính vừa hợp tác, vừa cạnh tranh cao.
Thực tiễn trên đây cũng là cơ sở để lý giải về mối quan hệ gắn kết giữa yêu nước với yêu CNXH. Sự khủng hoảng của CNTB hiện đại, sự “trở về” của nhân loại với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đang làm cho vấn đề “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” không chỉ là bài học lịch sử mà còn là yêu cầu của cả hiện tại và tương lai.
2. Ngay trong từng bước đi của thời kỳ quá độ lên CNXH thể hiện rõ tính ưu việt của CNXH. Thực tế hơn 30 năm đổi mới và phát triển, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng được cả dư luận trong nước và thế giới ghi nhận. Những thành tựu của đất nước, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, ổn định chính trị - xã hội, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, hạn chế và khắc phục có hiệu quả những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, được thế giới công nhận,...
Bên cạnh đó, các chính sách xã hội, như: trợ cấp thất nghiệp, bảo đảm y tế, phúc lợi xã hội... ngày càng được quan tâm thể hiện được tính ưu việt của XHCN so với TBCN ngay trong quá trình xây dựng xã hội mới.
3. Trên cơ sở kiên định con đường đã chọn, biết tiếp thu, vận dụng những thành tựu của nhân loại vào xây dựng xã hội mới. Cho đến nay, đường lối đổi mới của Đảng đã đưa lại những thành tựu to lớn, được cả các nước theo con đường TBCN và con đường XHCN tán thành, ủng hộ nhưng với động cơ và nhận thức khác nhau. Chẳng hạn như: vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, các nước theo con đường TBCN thì cho rằng: đây là quá trình tư nhân hoá; còn chúng ta cho rằng, đây là quá trình phát triển kinh tế tư bản nhà nước, một bộ phận cấu thành nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, mà học thuyết Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đề cập. Vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng có ý kiến coi đây là đi theo CNTB. Nhưng, thực chất đó là sự vận dụng những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong giai đoạn phát triển của CNTB hiện đại vào xây dựng xã hội XHCN, chứ không phải là xa rời học thuyết Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong xây dựng xã hội mới nói chung, thực hiện kinh tế thị trường nói riêng, chúng ta luôn quan tâm thực hiện các biện pháp định hướng XHCN để thể hiện rõ tính ưu việt của xã hội XHCN so với xã hội TBCN trong thời kỳ quá độ lên CNXH...
Kiên định con đường XHCN trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sử dụng những thành tựu tiến bộ của nhân loại đạt được trong thời kỳ CNTB hiện đại để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan, khoa học.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét