Thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” (DBHB) nhằm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong những năm qua, Mỹ chủ trương đẩy mạnh hoạt động toàn diện, đa dạng, liên tục trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó phải kể đến các thủ đoạn phá hoại của chúng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và kinh tế.
Thủ đoạn phá hoại về chính trị, tư tưởng: Mỹ coi đây là khâu quan trọng nhất trong chiến lược “DBHB”. Chúng coi trọng việc chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xoá bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Đồng thời, truyền bá tư tưởng tư sản, lối sống thực dụng trong các thế hệ người Việt Nam , đặc biệt là thanh thiếu niên. Chúng chiêu tập những người chống đối cách mạng vào các tổ chức phản động hòng gây bạo loạn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa khi có thời cơ. Mỹ và các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền phủ nhận những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, phủ định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dùng vấn đề “tự do”, “nhân quyền” dân chủ tư sản, vấn đề đa nguyên, đa đảng để gây sức ép nhằm làm thay đổi bản chất Nhà nước XHCN Việt Nam.
Những năm qua, sau khi giành thắng lợi trong chiến lược DBHB ở Đông Âu và Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ đang ra sức khuyếch trương cái gọi là “thắng lợi tất yếu” của CNTB. Chúng tìm cách tận dụng triệt để những sai lầm của một số cán bộ lãnh đạo thoái hoá biến chất của Đảng và Nhà nước nhằm kích động nhân dân đứng lên lật đổ chế độ XHCN, gieo rắc sự bất bình trong công chúng; vu cáo, xuyên tạc sự thật. Mỹ đã sử dụng hơn 300 tổ chức phản động trong người Việt lưu vong vào các hoạt động tuyên truyền chống lại Tổ quốc, làm hậu thuẫn cho một số phần tử có tư tưởng chống đối cách mạng ở trong nước, mở các chiến dịch tuyên truyền nhằm kích động những tư tưởng chống CNXH, tạo thế đứng cho các lực lượng phi XHCN phát triển. Chúng ta còn nhớ một số chiến dịch của chúng như “nhân quyền”, “nạn kiều”, “vì tự do cho tù nhân chính trị”, “góp gió thành bão”, “Chuyển lửa về quê hương”, “Ngọn nến dân chủ” đòi hỏi chúng ta luôn luôn nêu cao cảnh giác, phải nghiên cứu những âm mưu, thủ đoạn của chúng trên mặt trận chính trị, tư tưởng để có những đối sách hữu hiệu.
Thủ đoạn phá hoại về kinh tế: nhằm làm cho nền kinh tế Việt Nam đi chệch khỏi qũy đạo kinh tế XHCN như cổ động tư nhân hoá, tự do hoá theo kiểu kinh tế thị trường TBCN.
Từ năm 1975, Mỹ đã ban bố lệnh cấm vận toàn diện với Việt Nam nhằm làm suy sụp nền kinh tế XHCN ở nước ta. Mỹ tìm cách lợi dụng chủ trương đổi mới kinh tế của Việt Nam: phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH), mở rộng và phát triển kinh tế đối ngoại, tranh thủ thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, từ đó tìm ra những sơ hở để xâm nhập, thực hiện chuyển hoá theo con đường TBCN. Thông qua liên kết, hợp tác kinh tế với Việt Nam , Mỹ và các nước phương Tây đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo cán bộ quản lý kinh tế, biến họ thành tay sai phục vụ ý đồ của CNTB. Đồng thời, thông qua viện trợ chúng kèm theo các điều kiện để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, gây dựng cơ sở chính trị-xã hội đối lập. Chẳng hạn, viện trợ gắn liền với điều kiện trả tự do cho những người chống đối chế độ, với vấn đề POW/MIA, gắn với điều kiện đẩy nhanh tư nhân hoá nền kinh tế...
Qua nhữngthủ đoạn trên đây thấy rõ “giúp đỡ” của Mỹ đối với Việt Nam không phải với thái độ thiện chí, vô tư, mà thực chất là nhằm thúc đẩy chiến lược DBHB. Thông qua đầu tư kinh tế, chúng còn đẩy mạnh các hoạt động gián điệp, tình báo chống phá Việt Nam; tăng cường xuất nhập lậu hàng hoá vào Việt Nam, biến các tuyến biên giới, vùng biển khắp đất nước tràn ngập hàng lậu, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước cũng như công tác quản lý bảo vệ an ninh quốc gia.
Với ý đồ phá hoại nền kinh tế, các thế lực thù địch đã tổ chức hàng nghìn đường dây buôn lậu vào Việt Nam . Cũng qua đó, chúng có điều kiện xâm nhập phá hoại nội bộ ta. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng, buôn lậu, tha hoá biến chất cán bộ, đảng viên, nhất là ở một số cơ quan kinh tế của Nhà nước, tạo những kẽ hở cho địch xâm nhập nội bộ móc nối chuyển hoá.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, đã có 60 đảng viên phạm trọng tội trong các vụ án kinh tế. Trong thực tế, con số này còn lớn hơn bởi có nhiều vụ án được xét xử trên địa bàn thành phố nhưng không thuộc quyền thụ lý án của Viện. Có thể nói vụ án Tamexcô là vụ án kinh tế lớn đầu tiên có nhiều cán bộ, đảng viên bị truy tố. Vụ Tân Trường Sanh cũng là vụ án kinh tế lớn, liên quan đến một ngành quan trọng trong việc chống buôn lậu, có đến 52 cán bộ Nhà nước (trong đó có 39 đảng viên) là bị cáo. Vụ án Minh Phụng - EPCO có 27 cán bộ Nhà nước (trong đó có 10 đảng viên) phải ra trước “vành móng ngựa”. Còn theo thống kê của các ngành chức năng của Thành phố Hà Nội, cũng từ 5.1996 đến hết 8.1999 trong các vụ án trên địa bàn thành phố đã có 139 vụ với 194 đảng viên vi phạm pháp luật bị khởi tố. Vụ án đường dây buôn lậu ma túy Vũ Xuân Trường và đồng bọn có nhiều cán bộ, đảng viên tham gia và bị kết tội. Nếu như vào những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, số cán bộ, đảng viên phạm tội chỉ chiếm khoảng 10% bị cáo, thì trong mấy năm gần đây tỷ lệ này lên đến 30-40%, thậm chí có vụ đến 50-60%. Mức độ thất thoát, thiệt hại về kinh tế tăng lên rất nghiêm trọng. Nếu như vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, những vụ án nổi tiếng như Công ty nước hoa Thanh Hương, Công ty Đại Thành, vụ “Tín dụng Chợ Lớn”, vụ “Điện lạnh Hùng Vương”..., mới chỉ làm thất thoát vài tỷ đồng, cao nhất trên dưới 10 tỷ đồng, thì những vụ án gần đây con số này là hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng (vụ Minh Phụng - EPCO khoảng 4.000 tỷ đồng).
Qua những vụ việc trên có thể nhận thấy rằng diễn biến hoà bình trên lĩnh vực kinh tế với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện nhằm mục đích dùng kinh tế để chuyển hoá làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam .
Tóm lại, chiến lược “DBHB” đã được Mỹ và các nước đế quốc sử dụng chống phá CNXH trong nhiều năm qua. Mỹ thua Việt Nam trong chiến tranh nhưng chưa từ bỏ ý định chống phá cách mạng Việt Nam . Với chiến lược DBHB, Mỹ muốn dùng người Việt Nam chống người Việt Nam , dùng kinh tế để chuyển hoá chính trị. Đó là chiến lược lâu dài, nham hiểm của kẻ thù, đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác và tìm ra những giải pháp phòng chống hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét