Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc sự thật, lịch sử của các phần tử phản động!

          Gần đây, trên một số trang mạng xuất hiện những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đáng lưu ý là luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Đan Thanh với tựa bài: “Đảng cộng sản – Một tổ chức tội phạm!”. Xuyên suốt bài viết là những luận điệu phản động xuyên tạc, bịa đặt về các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong tiến trình cách mạng Việt Nam; xuyên tạc, suy diễn sai lệch về điều 4 Hiến pháp năm 2013; phủ nhận ý nghĩa, giá trị lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945; xuyên tạc việc chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta hiện nay… Tuy nhiên, những nội dung xuyên tạc của Nguyễn Đan Thanh đưa ra không có gì mới, y vẫn cứ nhai đi nhai lại những luận điệu phản động cũ rích mà các thế lực thù địch đang sử dụng chống Đảng, Nhà nước.
Thứ nhất, không thể phủ nhận Điều 4 Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội là khách quan, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Việc hiến định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị – xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn, phù hợp với bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được xác lập trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của đất nước mà còn từng bước được ghi nhận trong các Hiến pháp Việt Nam (trong Lời nói đầu Hiến pháp năm 1959, trong Điều 4 Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện nay). Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến khi trở thành đảng cầm quyền, luôn được Nhà nước và cả xã hội thừa nhận, tôn vinh. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013 chính là tiếp tục thể hiện ý chí, lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với nhân dân Việt Nam, nói đến Đảng là nói đến tình cảm thiêng liêng, là thể hiện niềm tin và tình yêu son sắt của nhân dân dành cho Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới vừa là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở khoa học thực tiễn để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Do vậy, Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam là khách quan, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, không thể phủ nhận ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước khi Đảng ra đời, nhân dân ta phải sống trong đêm trường nô lệ, Đảng ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giải phóng nhân dân khỏi kiếp nô lệ, lầm than, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một đảng cầm quyền. Nhân dân ta một lòng theo Đảng, bởi Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cae dân tộc Việt Nam.
Do đó, thực chất những lời lẽ của Nguyễn Đan Thanh nhằm xuyên tạc lịch sử, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận ý nghĩa của cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ ba, không thể lợi dụng việc đấu tranh chông tham nhũng, lãnh phí để chống Đảng, Nhà nước. Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là công việc cần thiết làm trong sạch bộ máy của Nhà nước, phục vụ hiệu quả hơn cho nhân dân. Tham nhũng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, phức tạp, nan giải và bức xúc của nhiều quốc gia và ở nước ta. Các quốc gia đều có nhiều giải pháp nhằm đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đề ra những chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020… Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành: Nghị quyết Trung ương 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Hội nghị BCHTW lần thứ 4 (khóa XII) ban hành Nghị quyết: “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả nhất định: Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng tồn tại từ lâu đã bị phát hiện, xử lý.

Như vậy, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, làm sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là việc làm thường xuyên của Đảng ta để làm tròn vai trò, sứ mệnh của Đảng cầm quyền. Nguyễn Đan Thanh lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta xử lý Trịnh Xuân Thanh để bịa đặt xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước là âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc. Đó là việc làm vô liêm sỉ phản dân, hại nước nhằm để nhận được sự tán dương, bố thí của các thế lực thù địch đang chống phá cách mạng nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét