Sau 1 năm sự cố môi trường
biển tại các tỉnh miền Trung, Chính phủ và các cơ quan chức
năng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, biện pháp giúp ngư dân dần dần
ổn định cuộc sống, yên tâm vươn khơi, bám biển, xử lý từng bước hậu quả về môi
trường. Tuy vậy, những ngày đầu tháng 4 này, hình ảnh các cuộc tụ tập đông người, gây
rối trật tự công cộng tại một số vùng công giáo ở tỉnh Hà Tĩnh đang gây bất
bình trong dư luận.
Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường biển đã nhận
trách nhiệm và bồi thường 500 triệu USD. Với sự vào cuộc sát sao, bài bản của
Chính phủ và chính quyền địa phương, việc khắc phục hậu quả sau gần một năm của
Formosa, với 51/53 khuyết điểm xử lý xả thải môi trường là một sự chuyển biến
tích cực.
Các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, dù vô tình hay hữu
ý dẫn đến sự cố môi trường này cũng đã và đang bị xem xét, xử lý. Thái độ của
người đứng đầu Chính phủ rất mạnh mẽ và dứt khoát: Khi nào Formosa xử lý xong
hoàn toàn mới được hoạt động trở lại và sẽ đóng cửa vĩnh viễn nếu tái phạm.
Công tác chi trả đền bù thiệt hại cho ngư dân cũng
đã và đang được giải quyết khẩn trương, trên tinh thần công khai, công bằng và
minh bạch. Đến đầu tháng 3 vừa rồi, 77% trong tổng số 4.680 tỷ đồng tạm cấp đã
đến tay những người dân bị hại. Công tác đền bù thiệt hại cũng đang được tiếp tục
giải quyết, bổ sung.
Thế nhưng, kể từ sau sự cố môi trường biển đến nay,
tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều vụ tuần hành, tụ tập đông người
có tổ chức. Từ việc người dân kéo ra Quốc lộ 1A - mang theo gậy gộc, lưới đá để
gây rối, đến việc hàng nghìn người
tụ tập trước cổng Công ty Formosa hay kéo vào trụ sở chính quyền
huyện mang theo băng rôn, khẩu hiệu…Tất cả những hành động vi phạm pháp luật đó
đều có sự chỉ đạo, được các đối tượng phản động cổ súy. Năm ngoái, đã có 2 đối
tượng bị cơ quan chức năng xử lý là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn do nhận tiền
của các tổ chức phản động để thu thập thông tin, phát tán hình ảnh trên mạng
internet nhằm kích động người dân, gây phức tạp tình hình an ninh chính trị.
Đầu tháng 4 này, những vụ việc tương tự lại xảy ra tại
huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, khởi đầu từ một vụ xô xát tối 2/4, nhưng đến sáng 3/4, rất
đông người dân đã có sẵn trong tay băng rôn, khẩu hiệu tràn vào trụ sở UBND huyện.
Những phần tử chống phá dùng loa phát đi những lời lẽ kích động, lăng mạ cán bộ,
chống đối chính quyền; rồi tích cực quay phim, chụp ảnh, trả lời phỏng vấn báo
chí nước ngoài… Một điểm đáng chú ý là hầu hết các vụ tụ tập đông người,
gây rối trật tự an ninh lại đều diễn ra ở vùng công giáo. Họ kích động
giáo dân, cố tình tạo ra “điểm nóng” ở vùng công giáo để khi các cơ quan chức
năng vào cuộc xử lý thì họ lại lấy cớ đó nhằm xuyên tạc, vu cáo chính quyền
“đàn áp tôn giáo”, kêu gọi quốc tế can thiệp.
Rõ ràng, một số đối tượng đang lợi dụng giáo dân, kích động
họ vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, gây hận thù, chia rẽ khối
đại đoàn kết toàn dân. Những đối tượng có hành động với mục đích xấu xa như vậy
cần phải bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét