Tổ chức Ủy
ban bảo vệ nhà báo (CPJ) được thành lập năm 1981 với mục tiêu “thúc đẩy tự do
ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự
do báo chí trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan...”. Tuy nhiên, những gì mà
họ thể hiện gần đây đã cho thấy CPJ đang ngày càng xa rời mục tiêu, tôn chỉ
hoạt động của mình.
CPJ bảo vệ ai?
Mới đây nhất, CPJ công bố cái gọi là Phúc trình
thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu trong đó có những nhìn
nhận thiếu khách quan nếu như không muốn nói là xuyên tạc, vu cáo tình hình tự
do báo chí ở Việt Nam. Theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia cầm
tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới.
Trước hết cần phải nói rằng, tuy tự nhận là “hiệp sĩ” bảo
vệ các nhà báo trên toàn cầu song xem ra CPJ đang nhầm lẫn (hoặc cố tình nhầm
lẫn) giữa nhà báo và những “blogger” (những người viết blog). Một điều rất đơn
giản mà ai cũng biết, nhà báo, còn gọi là ký giả, là những người làm công tác
báo chí chuyên nghiệp, hoạt động báo chí với tư cách là hoạt động nghề nghiệp,
được xã hội công nhận và pháp luật bảo vệ. Đáng tiếc, trong phúc trình của
mình, CPJ đã “nhầm lẫn” giữa những nhà báo chân chính ở Việt Nam với những
“blogger” phản động, những phần tử lợi dụng viết blog để chống phá sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những “nhà báo tự do”, “cây bút tự do”,… được CPJ
nêu ra như Tạ Phong Tần, Đinh Đăng Định, Lê Thanh Tùng,… không ai khác chính là
những cá nhân có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam” trên in-tơ-nét.
Rõ ràng, ở đây danh nghĩa “nhà báo” đã bị CPJ lạm dụng một
cách quá đáng. Họ đã cố tình tạo ra cách hiểu mập mờ giữa nhà báo với một số
người lợi dụng việc viết báo, làm báo để đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của
những nhà báo chân chính. Do đó, thay vì bảo vệ những nhà báo như họ vẫn lớn
tiếng tuyên bố, CPJ lại “bao che” cho những người vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Vì vậy, xét ở góc độ khác, việc CPJ công bố Phúc trình thường niên về
tình hình tự do báo chí toàn cầu là hành động xúc phạm những nhà báo
chân chính, những người bằng hoạt động nghề nghiệp của mình đã và đang đóng góp
vào sự phát triển của xã hội Việt Nam, đồng thời cũng là hành động can thiệp
phi lý vào nền báo chí Việt Nam.
Vì mục đích gì?
Vấn đề mà dư luận đang đặt ra là phía sau việc “nhầm lẫn”
của CPJ là động cơ, mục đích gì? Phải chăng đây chỉ là “sai sót nghề nghiệp”?
Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta nên
bắt đầu từ chính thực tiễn đời sống báo chí Việt Nam những năm gần đây. Chỉ có
những người dân Việt Nam, những người hoạt động báo chí ở Việt Nam mới thấy hết
tính chất xuyên tạc, vu cáo trắng trợn trong những luận điệu mà CPJ đưa ra.
Thực tế ở Việt Nam không có nhà báo nào bị bỏ tù chỉ vì họ hành nghề báo chí
như CPJ cáo buộc. Những “blogger” hưởng án tù vì họ vi phạm các quy định của
pháp luật Việt Nam, lợi dụng mạng in-tơ-nét gây bất ổn cho đời sống xã hội. Mặt
khác, với những chứng cứ rõ ràng, các “blogger” này đều đã phải cúi đầu nhận
tội trước tòa. Trong quá trình xét xử, ngay cả các luật sư bào chữa cho họ cũng
thừa nhận tòa xử đúng người đúng tội.
Sự thật về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong những
năm qua đã phản bác lại những xuyên tạc, vu cáo của CPJ. Việt Nam hiện có hơn
700 cơ quan báo chí, trong đó có 634 cơ quan báo in với 813 ấn phẩm, 70 đài
phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, hơn 200 báo điện tử và hệ
thống báo mạng; 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền
hình khu vực và hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện.
Bên cạnh hơn 19 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng
hàng nghìn phóng viên hoạt động báo chí chuyên nghiệp, dịch vụ in-tơ-nét ở Việt
Nam cũng phát triển vượt bậc. Theo số liệu mới nhất của WeAreSocial - tổ chức
nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu có trụ sở tại Anh - số người
dùng in-tơ-nét ở Việt Nam tính đến hết năm 2016 là gần 40 triệu người. Tỷ lệ
người dùng in-tơ-nét trên tổng số dân là 36% (cao hơn mức trung bình của thế
giới là 33%). Riêng năm 2016, Việt Nam có thêm 1,59 triệu người dùng mới.
Những số liệu kể trên có thể chưa đầy đủ song thiết nghĩ đó
chính là minh chứng sống động cho “bức tranh” đa sắc màu về tự do truyền thông,
tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Cũng cần nói thêm, từ lâu CPJ vốn được biết đến như một tổ
chức có “thâm niên” trong việc lợi dụng chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “bảo vệ tự
do ngôn luận” để xuyên tạc, vu cáo, tạo áp lực và can thiệp vào công việc nội
bộ của một số nước. Những người quan tâm đến tổ chức này hẳn vẫn còn nhớ, cách
đây chưa lâu bằng việc chụp mũ “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do”, “cây viết độc
lập”,… CPJ đã yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ,… trong
khi đây là những cá nhân mang tội danh “tuyên truyền chống chế độ”. Với thủ
đoạn tương tự, nhiều năm qua CPJ đã không ít lần tung tin bịa đặt, vu cáo Việt
Nam đàn áp tự do ngôn luận để kích động, chống phá con đường phát triển của
Việt Nam.
Lần này, với cái gọi là Phúc trình thường niên về
tình hình tự do báo chí toàn cầu, một lần nữa CPJ lại dùng đến những
chiêu trò cũ. Chính sự mập mờ, “đánh lận con đen” giữa nhà báo với “cây bút tự
do”, “nhà báo tự do”,… đã tự vạch trần âm mưu đen tối của CPJ. Lố bịch hơn khi
không dừng lại ở những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, CPJ còn lên tiếng “khuyến
nghị” một số tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Liên minh
châu Âu,... cần đưa vấn đề tự do báo chí, tự do in-tơ-nét thành những điều kiện
trong quan hệ hợp tác với Việt Nam!
Đến đây, không cần nói hẳn ai cũng có thể nhận ra mục đích
sâu xa ẩn sau tấm bình phong “bảo vệ nhà báo” của CPJ. Cách thể hiện cũng như
những luận điệu của CPJ đã tự lật tẩy động cơ chính trị thiếu trong sáng của họ
khi đánh giá về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Rõ ràng, cái đích mà họ
hướng đến không phải vì các nhà báo chân chính như danh xưng Ủy ban bảo vệ nhà
báo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét