Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, các thế
lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động xu hướng
chia rẽ, ly khai, gây mất ổn định xã hội, từ đó phát triển thành các cuộc bạo
loạn chính trị ở một số quốc gia để lấy cớ can thiệp, lật đổ. Để thực hiện âm
mưu đó, các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” được sử dụng
như một vũ khí đặc biệt quan trọng để xuyên tạc, vu khống, tạo cớ can thiệp vào
công việc nội bộ nước ta. Đồng thời, các hoạt động gây dựng lực lượng chống đối
ở trong nước được thực hiện một cách ráo riết nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội, tiến tới chuyển hóa chế
độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các phương thức hoạt động chủ yếu
được các thế lực thù địch, những phần tử phản động lưu vong, phần tử xấu sử dụng
là:
Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ vấn đề “tôn giáo” với vấn đề “dân tộc” để kích động
tâm lý mặc cảm, tư tưởng ly khai, tư tưởng chống đối trong cộng đồng đồng bào
có đạo và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn
biến hòa bình”, các chiến lược gia phương Tây khẳng định: Tôn giáo và dân tộc
là hai vũ khí có khả năng đánh gãy xương sống cộng sản. Sự sụp đổ của Liên Xô
và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối thế kỷ trước đã phần nào cho ta nhận
thấy thủ đoạn này của chúng. Đối với Việt Nam, các thế lực
thù địch nhìn nhận tôn giáo như một “lực lượng chính trị” có thể “đối trọng” với
Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động người Việt lưu vong
cũng tích cực hậu thuẫn cả về vật chất lẫn tinh thần cho những phần tử bất mãn,
cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam nhằm phục vụ ý đồ
sử dụng tôn giáo làm lực lượng thúc đẩy nhanh tiến trình “dân chủ hóa”, thay đổi
thể chế chính trị ở Việt Nam.
Thứ hai, tích cực ủng hộ những phần tử bất
mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo, tổ chức lôi kéo, kích
động quần chúng tín đồ biểu tình, gây rối dẫn tới bạo loạn để lấy cớ can thiệp
từ “bên ngoài”. Sự hậu thuẫn này chính là lý do giải thích tại sao hiện nay các
phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo có thái độ
công khai thách thức, ngang nhiên chống đối chính quyền. Ngoài ra, chúng còn lợi
dụng tình hình khiếu kiện để xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm nhân
quyền, vi phạm tự do tôn giáo. Từ đó, kích động quần chúng tín đồ nổi dậy chống
đối chế độ, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Một số tổ chức tôn giáo phản động ở hải ngoại như Phật giáo Việt
Nam thống nhất hải ngoại tán phát tài liệu trên mạng intơrnet với nội dung
xuyên tạc, vu khống chính quyền Việt Nam khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản
hoạt động tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo; số cầm đầu tổ chức người
Thượng lưu vong ở Mỹ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm
nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tiếp tục chỉ đạo một số
phần tử trong nước thu thập tình hình có liên quan đến dân chủ, nhân quyền và
tìm cách gặp người nước ngoài để yêu cầu họ giúp giải quyết vấn đề “Tin Lành Đề-ga”.
Nhiều năm qua, chúng núp dưới chiêu bài “Tin Lành Đề-ga” để kích động quần
chúng chống phá cách mạng.
Thứ ba, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo (liên tôn);
phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phản động, cơ hội chính trị trong nước để tạo
dựng ngọn cờ, hình thành lực lượng đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản và Nhà
nước Việt Nam (thủ đoạn này đã từng được các thế lực phản động quốc tế chống chủ
nghĩa cộng sản sử dụng thành công ở một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước
đây); đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, làm sầm uất xứ đạo, khuếch
trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các
vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập
hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương nếu bị xử lý.
Thứ tư, tiến hành những hoạt động chiến
tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, tuyên truyền kích động mâu thuẫn, xung đột, nhất
là đối lập về hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”, giữa thế giới quan tôn
giáo với thế giới quan cộng sản; vu cáo cộng sản diệt đạo, Nhà nước đàn áp tôn
giáo làm cho bộ phận quần chúng lạc hậu ngộ nhận tin theo, từ đó, tạo lực lượng
chống đối ngầm chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một số tổ chức phản động người Việt lưu vong lợi dụng hoạt động tài trợ và
thông qua hoạt động từ thiện để chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động
vào trong nước, xuyên tạc bản chất chế độ ta, kích động tư tưởng chống đối
trong quần chúng tín đồ. Điều đó đã ít nhiều tác động đến tư tưởng của một số đồng
bào dân tộc thiểu số, nhất là số đồng bào có đạo, dẫn đến những hành động vi phạm
pháp luật như: chống lại việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước ở địa phương; tập hợp lực lượng để tổ chức gây rối trật tự công cộng, gây
bạo loạn chính trị...
Những hoạt động chống phá trên đây của các thế lực thù địch đều nhằm
mục đích làm cho nhân dân ta “tự diễn biến”, hình thành các nhân tố, các lực lượng,
khuynh hướng chống chủ nghĩa xã hội trong lòng xã hội ta, kích động gây mâu thuẫn
trong nội bộ nhân dân, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dùng quần chúng để làm suy yếu
hiệu lực của chính quyền. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm trong hoạt động của
các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, tại Hội
nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta đã cảnh báo:
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, vấn đề tôn giáo được các thế lực phản động
trong và ngoài nước coi là “ngòi nổ” hết sức nhạy cảm.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động lưu vong, số
cơ hội chính trị, phần tử xấu sẽ vẫn tiếp tục lợi dụng tôn giáo với nhiều hình
thức, thủ đoạn mới để lôi kéo, tập hợp lực lượng, tiếp tục hoạt động chống phá
cách mạng Việt Nam. Chúng tiếp tục chỉ đạo từ bên ngoài, móc nối với những phần
tử chống đối ở trong nước xây dựng cơ sở, tìm cách tái phục hồi
các hoạt động chống đối. Do vậy, nhìn chung tình hình mọi mặt về cơ bản là tiếp
tục ổn định, song vẫn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định, khó lường trước,
cần hết sức quan tâm, không thể xem thường.