Qua 30 năm đổi
mới (1986 – 2016), đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp
tục đổi mới và phát triển; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù
hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, đất
nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế
giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sự cạnh tranh về chủ quyền,
lãnh thổ, biển, đảo ngày càng quyết liệt giữa các nước diễn ra ở nhiều khu vực,
trong đó có Biển Đông; sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch. Trong nước, những hạn chế, khuyết điểm vốn có của
nền kinh tế chưa được giải quyết; những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản
lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho kinh tế phát triển thiếu ổn định,
chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh
tranh của nền kinh tế còn thấp.
Lợi dụng tình
hình đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, thậm chí một số cán bộ, đảng
viên non kém về bản lĩnh chính trị và sự nhạy cảm về chính trị muốn phủ nhận mục
tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ cho rằng “chủ nghĩa xã hội
là con đường mù mờ, không có tương lai”, “đi vào ngõ cụt”, “đã bị lịch sử phủ định”;
“ngày xưa trong thời kỳ phong kiến đã có chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn giữ được độc
lập dân tộc”, “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Đảng”;
“chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”. Những quan
điểm trên đây không thể đứng vững được trước sự phê phán của lý luận và thực tế
lịch sử.
Trong thời kỳ
trước đây, các triều đại phong kiến tiến bộ ở nước ta đại diện cho dân tộc đã
lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Khi đó
chưa có chủ nghĩa xã hội. Trên thế giới, lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội
được đề cập đến khi chủ nghĩa Mác ra đời, và thực tiễn chứng minh khi Cách mạng
Tháng Mười Nga (1917) thành công. Do đó, nếu đặt vấn đề chủ nghĩa xã hội ở nước
ta trong thời kỳ phong kiến là phi lịch sử và không thể dựa vào đó để phủ nhận
con đường xã hội chủ nghĩa của nước ta. Những quan điểm phủ nhận trên đã có cái
nhìn sai lệch về chủ nghĩa tư bản và xã hội chủ nghĩa, nó cường điệu những
thành tựu của chủ nghĩa tư bản mà không thấy hoặc coi nhẹ những khuyết tật, mâu
thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát
triển, nhất là về kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và
công nghệ. Tuy vậy, về bản chất, chủ nghĩa tư bản dù có những điều chỉnh thích
nghi thì vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công.
Những người phủ
nhận mục tiêu của cách mạng Việt Nam còn có cái nhìn định kiến với
quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây ở một số nước. Họ đồng nhất chủ
nghĩa xã hội hiện nay với những khuyết tật trong mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết
trước đây, không thấy những thành tựu trong đổi mới, cải cách đang diễn ra ở Việt
Nam, Trung Quốc, Lào, Cu Ba. Cần phải hiểu rõ rằng: sự sụp đổ của chế độ xã hội
chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa nói chung, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội – mô hình
chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp. Chủ nghĩa xã hội với những phẩm
giá tốt đẹp vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới; những giá trị
cao cả của nó vẫn tồn tại trong đời sống nhân loại. Điều này được minh chứng rõ
ở phong trào xã hội “cánh tả”, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang từng
bước phục hồi.
Thời gian gần
đây xuất hiện trên internet và một số ấn phẩm in, tán phát những quan điểm sai
trái, như đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin để từ đó phủ
nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Họ
nói “Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng
chủ nghĩa xã hội”, “thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là độc đảng, toàn trị,
đang kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc”; họ yêu cầu “Việt Nam ngày nay phải
chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ” . Thực chất, họ muốn
chúng ta phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; Đảng phải từ bỏ
vai trò lãnh đạo của mình, từ bỏ hệ tư tưởng Mác – Lênin, từ bỏ con đường xã hội
chủ nghĩa để chuyển sang dân chủ tư sản, tức là từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là những quan điểm sai trái, thù địch, cản
trở sự phát triển của đất nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét