Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Một đảng cầm quyền không phải là mất dân chủ


Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội (CNXH) và phong trào cách mạng thế giới. Một trong những mũi nhọn chúng thường sử dụng là đả phá mô hình chính trị- xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó đặc biệt là chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền.
Với tư cách là hình thức chế độ chính trị của đất nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, nên không bao giờ có một thứ dân chủ “thuần tuý”, dân chủ bao giờ cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Sự phát triển của các nền dân chủ chịu sự quy định trực tiếp của quá trình thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội và thông qua đấu tranh giai cấp.
Trong lịch sử nhân loại, với việc xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản đã thực hiện một bước tiến vượt bậc về dân chủ bằng việc xoá bỏ chế độ thần quyền phong kiến, hình thành xã hội công dân mà ở đó quyền tự do cá nhân được thừa nhận. Nhưng, sau khi đã thiết lập được quyền thống trị của mình, giai cấp tư sản từng bước sử dụng dân chủ như một hình thức thống trị giai cấp. Sự hạn hẹp của nền dân chủ tư sản nằm ngay trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Sự phát triển của lịch sử trên nền móng của sự phát triển các lực lượng sản xuất với trình độ xã hội hoá ngày càng sâu rộng của nó tạo ra những tiền đề khách quan để phủ nhận phương thức tư bản chủ nghĩa, chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp tư sản. Đó cũng chính là quy luật phát triển nội tại của nền dân chủ xã hội, của bước chuyển biến lớn lao từ nền dân chủ tư sản sang dân chủ XHCN trên phạm vi toàn thế giới. Quy luật khách quan sẽ vượt lên trên mọi tranh cãi và ngụy biện để thực hiện quyền tuyệt đối của mình. Quy luật ấy cũng phản ánh khát vọng nghìn đời của nhân loại muốn vượt thoát khỏi mọi sự tha hoá để vươn đến tiến bộ và tự do cùng với việc nhận thức ra lô-gích vận động của xã hội loài người. Hướng đến CNXH là hướng đến một nền dân chủ tiến bộ và hoàn thiện. Cuộc đấu tranh vì CNXH là cuộc đấu tranh vì một chế độ dân chủ chân chính nhất. Dân chủ XHCN và dân chủ tư sản khác nhau về bản chất và về trình độ với tư cách là những xã hội nối tiếp nhau trong nấc thang từ thấp lên cao của xã hội loài người.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì CNXH, cho nên nó chỉ có thể thực hiện được bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn thể xã hội thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản. Chỉ giai cấp vô sản và Đảng tiền phong của mình với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại nhân dân lao động và mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng lao động, giải phóng xã hội và giải phóng con người mới có khả năng thiết lập được một nền chuyên chính vừa đảm bảo dân chủ cũng như các lợi ích căn bản khác của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch.
Như đã biết, đa nguyên về chính trị và đa đảng đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay. Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng. Mặt khác, chế độ đa đảng ở phương Tây, xét trong thực chất, cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Đúng là cơ chế đa đảng đưa lại một số tác động tích cực nhất định cho các đảng tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho họ khả năng tránh nguy cơ chuyên quyền, độc đoán thông qua cọ xát, kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Tuy vậy, thể chế đa đảng này cũng dễ khuyến khích các lực lượng đối lập vì lợi ích cục bộ chỉ biết phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải- trái, đúng- sai. Hệ quả là làm xuất hiện một nền chính trị vị quyền lực và một công nghệ đấu đá chính trị trên lưng những lợi ích chính đáng của đông đảo cử tri. Vì chế độ đa đảng kiểu ấy, nhân dân Mỹ và cả chính quyền Mỹ vẫn bị các thế lực tư bản độc quyền nhà nước đánh lừa một cách thậm tệ trong cuộc chiến tranh I- rắc; hàng nghìn dân nghèo Mỹ đã phải gánh chịu thân phận bị bỏ rơi khi cơn bão Ca-tri-na tàn phá; xã hội Mỹ vẫn là một xã hội nhiều tội phạm nhất thế giới…
Tính giai cấp của nền dân chủ tư bản phương Tây được thể hiện thông qua vị trí của tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị. Cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” chỉ là nền dân chủ của nhà giàu. Tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25-11-2000 viết: “Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất”. Có thể gọi đấy là nền dân chủ đấu giá. Tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”. Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người” mà các lý luận gia của họ rêu rao. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri của họ lột trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử ngày càng gia tăng. Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ các năm 1996 và 2000 chỉ có khoảng 50% cử tri tham gia1.
Như vậy, dân chủ hay không dân chủ  không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong từng thời điểm cụ thể, nhà nước nói riêng và xã hội nói chung đều phải do một đảng lãnh đạo. Có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị.
Trong các nước XHCN, Đảng Cộng sản là tổ chức thực hiện sự thống trị của giai cấp vô sản, cho nên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với hệ thống chính trị là điều đương nhiên. Điều đó được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội  sẽ được thể chế hoá trong toàn bộ Hiến pháp và pháp luật. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và phát triển của nhà nước XHCN.
           
Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Đảng là nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử. Mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan cho việc hình thành chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH. Cũng đã có lúc, trên đất nước ta có nhiều đảng, nhưng những đảng khác đã không vượt qua được thử thách gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân chủ; sứ mệnh lịch sử của dân tộc ta chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam gánh vác. Những lần vượt qua khó khăn, thách thức đã thể hiện bản lĩnh vững vàng và trách nhiệm lớn lao của Đảng đối với vận mệnh của dân tộc và cuộc sống, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Để thực hành dân chủ rộng rãi, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng đã tuyên bố thành lập Nhà nước  Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiến hành tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp để thể chế hoá quyền lực của nhân dân lao động. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm khẳng định nguồn gốc của chính quyền nhà nước là ở nhân dân, đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của mình và bản thân Đảng cũng tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ đã là một sản phẩm thực tế và đang trên đà phát triển với các thành tựu của sự nghiệp đổi mới. Ngày nay, dân chủ đã được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tư tưởng... Đó là các quyền sử dụng tư liệu sản xuất, có công ăn việc làm, quyền học tập và hưởng thụ văn hóa, quyền tham gia quản lý nhà nước, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và cơ quan Nhà nước, quyền đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, bày tỏ ý kiến về các hiện tượng tích cực và tiêu cực trong đời sống xã hội... Những ý kiến rộng rãi ấy thật sự đã được chuyển tải vào Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bộ máy Nhà nước đã từng bước chuyển đổi cơ chế điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua cuộc cải cách lớn hệ thống các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được điều chỉnh một bước đáng kể, phát huy cao độ dân chủ, giải phóng các năng lực sản xuất, các tiềm năng của đất nước. Hệ thống chính sách đã từng bước thực hiện dân chủ hoá mọi mặt đời sống góp phần phát huy sự chủ động, tính tích cực chính trị của nhân dân trên cơ sở môi trường tâm lý xã hội lành mạnh.
Trong khi khẳng định mạnh mẽ và kiên định chế độ dân chủ do một Đảng Cộng sản cầm quyền, Đảng ta không bao giờ quên lời di huấn của V.I Lênin về các nguy cơ của một đảng cầm quyền, trong đó sâu xa nhất là nguy cơ chuyên quyền độc đoán, mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ chân chính của nhân dân. Chúng ta cũng không phủ nhận rằng tình trạng vi phạm dân chủ, hay dân chủ hình thức còn diễn ra ở không ít nơi. Tuy nhiên, tình trạng đó không bắt nguồn từ bản chất của nền dân chủ XHCN, từ chế độ một đảng cầm quyền, mà trước hết do sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức và những sơ hở, thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách cùng những khiếm khuyết trong phương thức lãnh đạo. Những khuyết điểm đó đã đi ngược lại bản chất của chế độ XHCN mà ở đó mọi quyền lực thuộc về nhân dân; trái với bản chất của Đảng Cộng sản mà theo đó mọi hoạt động không nằm ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Trong những năm qua, Đảng ta đã chủ động và tích cực áp dụng nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm phát huy dân chủ rộng rãi trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền, động viên toàn dân đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn  minh.
Nổi bật nhất là sự tôn trọng đầy đủ quyền và năng lực làm chủ của nhân dân vừa thông qua bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân; vừa phát huy cao độ vai trò của mặt trận với tính cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, tham gia đắc lực vào việc xây dựng, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước và các cơ quan Nhà nước. Dân chủ, tập trung dân chủ trong Đảng gắn chặt với dân chủ, tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước; dân chủ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng phải gắn với dân chủ, nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hệ thống Mặt trận. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện một đảng cộng sản cầm quyền, nếu kết hợp tốt giữa thực hiện dân chủ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng với thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hệ thống Mặt trận thì sẽ làm phong phú thêm sinh hoạt dân chủ trong xã hội, làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá IX) đã khẳng định.
 Nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận đã được đảm bảo có hiệu quả. Nhờ vậy, Mặt trận đã thực hiện thành công vai trò tuyên truyền, vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân hoàn thành thắng lợi đường lối của Đảng; đồng thời trở thành lực lượng phản biện xã hội góp phần đắc lực khắc phục nguy cơ quan liêu, chủ quan trong việc hình thành đường lối, chủ trương của các cấp bộ đảng. Trong nhiều năm qua, không chỉ đông đảo đảng viên, mà toàn thể công dân Việt Nam thuộc mọi thành phần xã hội đã được nghiên cứu, thảo luận, góp ý các văn kiện quan trọng của Đảng, kể cả Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Rất nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được đưa vào văn kiện chính thức của Đảng. Một sự khảo nghiệm, phản biện và đóng góp trí tuệ rộng rãi, cầu thị và dân chủ như vậy đã được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành. Điều tương tự chưa từng diễn ra ở bất cứ nơi nào khác. Các đảng tư sản và thiết chế dân chủ tư sản, trong lịch sử hàng trăm năm của mình, càng chưa bao giờ làm được như vậy.
Viện Phát triển quốc tế thuộc Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) phối hợp tiến hành một công trình nghiên cứu về Đông Dương. Liên quan đến nền dân chủ ở Việt Nam, các tác giả viết: “So với các chế độ cộng sản cùng đang cải cách khác, Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, đó là một Đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng và Đảng đã có được sự chấp nhận rộng rãi của quần chúng. ở Việt Nam, trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, Đảng phải tăng cường hệ thống một đảng không chỉ vì lý do tư tưởng mà còn hầu hết đảng viên đều tin rằng đường lối chính trị cạnh tranh sẽ làm trầm trọng thêm những chia rẽ giữa các vùng và làm mất ổn định chính trị”.
Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua những thử thách của lịch sử, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn luôn biết tự đổi mới, chứ không phải một lực lượng nào khác có thể đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu lịch sử, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Một Đảng như thế đủ sức đảm đương vai trò là lãnh tụ chính trị của xã hội, của dân chủ mà không cần có một lực lượng đối lập nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét