Chủ quyền lãnh thổ
quốc gia Việt Nam được xác định và quy định rõ ngay tại Điều 1 Hiến pháp 2013:
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng
trời”. Xây dựng và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia được coi là
một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam hiện nay và được thể
hiện trong Hiến pháp 2013 ở các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ
quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm
phạm. Điều 11 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng
liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị
nghiêm trị”.
Thứ hai, xây dựng
và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang
là nòng cốt.
Thứ ba, xây dựng
biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông
qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn
trọng lợi ích chính đáng của nhau.
Ngày nay, trong một
thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ
phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa
các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của
mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân
tộc. Điều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với
các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là trước diễn biến
phức tạp của tình hình khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây, hơn
bao giờ hết, đòi hỏi đất nước ta phải phát triển nhanh, bền vững, nâng cao sức
mạnh tổng hợp, nội lực của đất nước về mọi mặt; đồng thời phải luôn nêu cao
cảnh giác, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng
và cao cả của chúng ta hôm nay trước tổ tiên và các thế hệ cha anh đi trước,
như lời Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng
nhau giữ lấy nước” và trước các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Để góp phần giữ vững
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mỗi chúng ta, dù
trên cương vị công tác nào, cũng phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhất
nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các thói
hư, tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Chúng ta
không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân,
“lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước,
làm nghèo, suy yếu đất nước. Đây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ
thể đất nước cần phải cắt bỏ.
Để bảo vệ độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, bản
lĩnh vững vàng, kiên định về nguyên tắc nhưng tỉnh táo, linh hoạt, khôn khéo
trong sách lược. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất
khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ
lực phấn đấu không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc
lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát
huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích
quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi
khó khăn, thử thách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc do cha ông để lại để trao truyền cho
muôn đời con cháu mai sau.
Bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ
thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ không được phép sao nhãng, lơ là, nhưng cũng
là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ với những khó khăn, thử thách to
lớn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét