Biển,
đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời và
có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Thời
gian qua, vấn đề Biển Đông luôn là “vấn đề nóng” trên bàn cờ chính trị của
thế giới và khu vực, lợi
dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động đã tung ra không ít thông tin
sai sự thật, hòng xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, khi tình hình trên
Biển Đông có “điểm nóng”, thì ngay lập tức, các tổ chức phản động lưu vong như:
“Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”, “Tập hợp
dân chủ đa nguyên”, hội nhóm trá hình trong nước như: “Lập Quyền Dân”, “Diễn
đàn xã hội dân sự”, “Tập hợp Quốc dân Việt”… Các trang mạng “Tin tức hàng
ngày”, “Báo tiếng dân”, “Luật khoa tạp chí”, “Thời báo”, “Chân trời mới”; các
trang báo nước ngoài: “BBC”, “RFA”, “VOA”… đã phát tán bài viết, tài liệu, hình
ảnh, video xuyên tạc tình hình, diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Nhiều trang
được đầu tư về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia
bảo mật riêng. Các đối tượng chống
đối đã viết, đăng tải nhiều bài đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: “Đảng,
Nhà nước Việt Nam yếu hèn không dám sử dụng vũ lực”, “lãnh đạo Việt Nam vẫn im
tiếng trong căng thẳng Bãi Tư Chính với Trung Quốc”, “Chính phủ Việt Nam luôn
tìm cách bịt miệng báo chí”,… để kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ. Chúng
lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để tạo nên các phong trào
“bài Trung”, “thoát Trung”. Không những
thế, các thế lực xấu còn vẽ ra “thuyết âm mưu” khi cho rằng Việt Nam cần phải
liên minh quân sự với những nước lớn có thực lực kinh tế, quốc phòng - an ninh
mạnh thì mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Đối tượng chúng hướng đến để tuyên truyền là những
người thường xuyên sử dụng Internet, mạng xã hội (MXH), nhưng trọng tâm, trọng
điểm là các thành phần bất mãn và các nhóm thanh niên, sinh viên “nhẹ dạ, cả
tin”,… Từ đó, chúng mong muốn tạo lập lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước ta.
Cần khẳng định rằng, những luận điệu
trên là hoàn toàn sai trái, bịa đặt; mục đích của họ nhằm gây mất ổn định tình
hình an ninh, chính trị trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với
các nước. Bởi, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn
đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng đường lối, quan
điểm nhất quán, đúng đắn, hợp quy luật, hiệu quả nhất.
Về
Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Trước âm mưu tung thông tin xấu, độc với
các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, chúng ta cần nhận diện rõ và phê
phán “luận điệu muốn giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo hiện
nay thì phải “chống Trung”, “bài Trung” triệt để, phải “tẩy chay khách Trung
Quốc”, “tẩy chay hàng hóa Trung Quốc”.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước
láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển và có nhiều điểm tương
đồng từ văn hóa, lịch sử cho đến thể chế chính trị hiện nay. Quan hệ giữa hai
nước tuy có trải qua nhiều thăng trầm nhưng tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa
nhân dân hai nước không ngừng được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Những “kiến nghị”,
“lời kêu gọi” với mục đích “bài Trung”, “thoát Trung”... được đăng tải trên
internet, MXH đã làm xấu đi hình ảnh của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình và ổn
định. Đây là những tư tưởng và hành động gây kích động hận thù dân tộc, cần hết
sức đấu tranh để loại bỏ.
Ðối với những diễn biến trên biển thời
gian qua, Việt Nam đã một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình,
mặt khác kiên trì thông qua đối thoại để giải quyết bất đồng. Các bài học kinh
nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất
liền và phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản
chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và nhận thức chung đạt
được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp
tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông
trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính
đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về
Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa
ASEAN và Trung Quốc.
Về
vấn đề liên minh quân sự. Trước hết cần xác định rằng, những bất đồng,
tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là vấn đề khó khăn, phức tạp, lâu dài, không
thể giải quyết một sớm, một chiều. Không phải cứ có cường quốc “bảo vệ, che
chở” thì các nước đồng minh sẽ giữ được chủ quyền lãnh thổ.
Quan
điểm dựa vào nước khác để bảo vệ chủ quyền cũng hoàn toàn trái ngược với truyền
thống đấu tranh của dân tộc ta. Trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc, rồi “Thắng Tống,
bình Nguyên, diệt Minh, phá Thanh”, đánh thắng các chủ nghĩa thực dân, đế quốc
hùng mạnh nhất, Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách một dân tộc
không bao giờ chịu khuất phục, luôn giành chiến thắng với phương châm độc lập,
tự chủ, luôn tự lực, tự cường. Lịch sử thế kỷ XX đã chứng minh, nền ngoại giao
Việt Nam tạo thế cân bằng về lợi ích giữa các nước lớn và không nghiêng hẳn về
bên nào. Vì vậy, muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ
quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc, phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, không
thể ảo tưởng trông chờ vào liên minh nào. Mặt khác, theo logic của vấn đề, lợi
ích của việc liên minh quân sự chắc chắn phải đạt được từ hai phía: nước nhỏ có
thể tránh được nguy cơ mất chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia
- dân tộc mình trước một mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, nhưng cái giá phải trả
đó là sự “thế chấp” nào đó để nhận được những “cam kết” bảo vệ từ đồng minh. Đó
là “luật chơi” thường thấy trong quan hệ quốc tế hiện nay. Như vậy, cả trên
phương diện lý luận và thực tiễn đều khẳng định, trong mọi điều kiện, hoàn
cảnh, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam là phải tự lực, tự cường,
“đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa vào sức mình là chính, song luôn tranh
thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế, nhân dân
tiến bộ trên thế giới để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhận diện,
đấu tranh ngăn ngừa các luận điệu xuyên tạc về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt
Nam là cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có chủ trương,
đường lối, đối sách đúng đắn, phù hợp và hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên và
nhân dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò xuyên tạc, suy
diễn của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.
Trả lờiXóa