Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Tự do ngôn luận không phải thứ để mang ra “mặc cả”


Dù ở bất kỳ quốc gia, thể chế chính trị nào đi nữa, thì các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận không hề bị chối bỏ. Tuy nhiên, mọi quyền lợi đều phải gắn liền với nghĩa vụ và đặt trong những giới hạn, khuôn khổ phù hợp để bảo đảm rằng việc thực hiện quyền của người này không làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác.
Như thường lệ, mỗi khi cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành truy tố, xét xử những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật như: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009); tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 88) hay lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (Điều 258)… thì ngay lập tức một số tổ chức, cá nhân chống đối trong và ngoài nước lại ráo riết tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Sự việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành truy tố, xét xử đối với 2 bị cáo là Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Minh Thúy theo khoản 2, Điều 258, BLHS cũng không ngoại lệ. Hội đồng xét xử đã đưa ra một cách đầy đủ, khách quan những cơ sở, lý lẽ luận tội và bằng chứng xác đáng về hành vi phạm tội của 2 bị cáo. Những người này đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết và đăng tải các bài viết sai lệch, không có căn cứ;
tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế và các quy định của luật pháp, thông qua mạng xã hội, một số đối tượng đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân với những lý lẽ, luận điệu hết sức phi lý, ấu trĩ khi cho rằng: “Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, xử lý chỉ vì đã lên tiếng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và những người lãnh đạo, trong khi Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn các văn bản luật về nhân quyền có nội dung hiển nhiên bảo vệ các hành vi của họ”, đồng thời, yêu sách đòi chính quyền “phóng thích những người này và bồi thường về thời gian họ bị giam giữ oan”.
Để đánh lừa dư luận, họ viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận như tại: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Khoản 2, Điều 19)… Các điều, khoản quy định trong Chương II, Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là Điều 25 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… cũng triệt để bị lợi dụng nhằm bao che cho hành vi sai phạm của Vinh, Thúy và quy kết “chính quyền làm sai quy định của pháp luật”.
Rõ ràng từ những lý lẽ, viện dẫn như vậy cho thấy cách hiểu và thực thi pháp luật của nhóm người trên là không khách quan, làm sai lệch bản chất vấn đề. Họ chỉ biết nhìn vào những điều khoản, quy định về quyền lợi mà cố tình bỏ qua nhiều điều khoản, quy định khác về nghĩa vụ kèm theo khi thực hiện các quyền đó.
Bởi ngay trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Điều 12 quy định rõ:“Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”.
Để cụ thể, sáng rõ hơn điều này, tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.
Thể chế hóa các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người, nước ta đã kế thừa phù hợp và từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với đầy đủ các ngành luật, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm và phát huy tối đa quyền cơ bản của con người. Việc quy định các chế tài để hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng quyền tự do cá nhân xâm hại lợi ích chính đáng người khác như trong BLHS (tại các điều như: 79, 88, 258…) và nhiều văn bản pháp luật khác là cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các giá trị chuẩn mực của xã hội.
Theo đó, những trường hợp cố tình sai phạm như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy và một số trường hợp tương tự trước đó bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm trước pháp luật là hoàn toàn xác đáng xét trên cả phương diện luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia.
Không chỉ riêng Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc lợi dụng các quyền tự do cá nhân để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đều không thể chấp nhận được và bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, luật pháp nước này quy định nhiều tội danh như: “xúc phạm tổng thống”, “làm ô danh xứ Thổ Nhĩ Kỳ”… cùng các chế tài nghiêm khắc cho những người cố tình vi phạm.
Trong khoảng thời gian từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền đến tháng 4-2015, quốc gia này đã có tới 60 vụ với khoảng 200 cá nhân liên quan bị cáo buộc về tội “xúc phạm tổng thống”.
Hay tại Tây Ban Nha, vào năm 2008, Jose Antonio Barroso, thị trưởng thành phố Puerto Real (thuộc tỉnh Cadiz ở phía Tây Nam của Tây Ban Nha) đã có những lời lẽ miệt thị nhà Vua Juan Carlos, khi nói với đám đông rằng nhà vua là “con trai của một kẻ chơi bời và đáng khinh chẳng khác nào cha ông. Nền quân chủ tham nhũng, lỗi thời và không cần thiết” trong buổi lễ kỷ niệm 77 năm sáng lập nền Cộng hoà thứ hai. Kết quả là Jose Antonio Barroso đã phải nhận những lời chỉ trích gay gắt từ dư luận quần chúng và đối mặt với án phạt 2 năm tù giam.
Như vậy có thể thấy rằng, dù ở bất kỳ quốc gia, thể chế chính trị nào đi nữa, thì các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận không hề bị chối bỏ. Tuy nhiên, mọi quyền lợi đều phải gắn liền với nghĩa vụ và đặt trong những giới hạn, khuôn khổ phù hợp với các giá trị chuẩn mực xã hội để bảo đảm rằng việc thực hiện quyền của người này không làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Những người cố tình lợi dụng quyền tự do cá nhân nhằm xâm hại đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, cơ quan, nhà nước như trưởng hợp của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đều không có lý lẽ nào có thể bênh vực được.

1 nhận xét:

  1. Tự do gì chăng nữa thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật

    Trả lờiXóa