Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Củng cố niềm tin của nhân dân từ hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng


Những năm qua, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động thường khai thác, lợi dụng một số vụ án tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam để xuyên tạc, chống phá công cuộc Đổi mới và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả PCTN, chúng ta cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm đó…

Thủ đoạn phổ biến của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là tuyệt đối hóa phần đánh giá hạn chế trong các báo cáo, kết luận của Đảng và Nhà nước ta về tham nhũng và PCTN; hoặc lấy vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, một số vụ việc, vụ án trọng điểm đang được chỉ đạo, xử lý để “phóng đại” thành tình hình chung. Họ tách rời tham nhũng với công tác PCTN để “khoét sâu nội bộ”, đổ lỗi do năng lực lãnh đạo của người đứng đầu, viện cớ “vì duy nhất Đảng Cộng sản cầm quyền”, nên sai lầm về đường lối và tất yếu để xảy ra tham nhũng, hòng hạ thấp uy tín của Đảng ta, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp; làm giảm sút lòng tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cùng với đó, họ còn tuyên truyền, tung hô: “Phải thực hiện đa nguyên, đa đảng” và “chỉ có từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì Việt Nam mới hết tham nhũng…”.
Các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để tận dụng internet để đăng tải các bài viết kèm thông tin, số liệu đã được “xào xáo”, một số hình ảnh cắt ghép lộ liễu, trắng trợn; đưa các phim phóng sự, phỏng vấn, bình luận với sự suy diễn, áp đặt chủ quan, xuyên tạc… hòng tác động đa chiều vào dư luận xã hội, làm dấy lên những băn khoăn, lo lắng, nghi hoặc của nhân dân. Họ kết hợp lợi dụng một số bức xúc ở một vài nhóm dân cư để âm mưu kích động, tạo thành các “điểm nóng”, nhằm gây rối về an ninh chính trị từ cơ sở…
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước nghèo và nước giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển, hoặc kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng đối lập lãnh đạo.
Trên thế giới, tham nhũng đã có từ xa xưa và hiện vẫn đang là vấn nạn nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Năm 2015, trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố cho thấy, có khoảng 2/3 các nước trên thế giới có số điểm dưới 50 về PCTN. Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban  Ki Moon) nhân Ngày quốc tế PCTN (9-12-2015) có nêu: Quan điểm toàn cầu về tham nhũng đã thay đổi đáng kể. Trước đây tham nhũng, hối lộ và các dòng tài chính bất hợp pháp thường được coi là một phần của chi phí kinh doanh, nhưng nay tham nhũng được hiểu một cách rộng rãi, đúng là một loại tội phạm và có tính chất phá hoại… Tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển, làm trầm trọng thêm vấn đề bạo lực và sự bất ổn, lo lắng của người dân…
Ở Việt Nam, các hiện tượng tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn… đã được Đảng ta nhận diện, nghiêm túc tự phê bình và thẳng thắn chỉ ra ngay từ thời kỳ xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ sau năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng coi tham nhũng, quan liêu, lãng phí là giặc nội xâm, kẻ thù của nhân dân. Trong các văn kiện của Đảng đều nói đến tệ nạn này, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tháng 1-1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã cảnh báo: “Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong bốn nguy cơ trước mắt của đất nước”. Theo đánh giá tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XI của Đảng: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…”.
Không dừng lại ở nhận diện, Đảng và Nhà nước ta luôn coi đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời xác định PCTN là một trong những đối sách phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhiều văn bản như: Chỉ thị số 64-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VII “Về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng”…; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 50-CT/TWcủa Bộ Chính trị khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”…; cùng với đó Luật PCTN (bổ sung, sửa đổi năm 2007 và năm 2012) có hiệu lực từ ngày 1-6-2006, đồng bộ với nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, hoặc có liên quan nhằm cụ thể hóa việc triển khai Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020… Qua đó, cho thấy PCTN ở nước ta được triển khai một cách quyết liệt, toàn diện. Việc chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã có chất lượng, hiệu quả hơn; hợp tác quốc tế trong PCTN tích cực, chủ động hơn… Đặc biệt, Quy định tổ chức bộ máy và mô hình Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN (gọi tắt là BCĐ) trực thuộc Bộ Chính trị đã thể hiện rõ quan điểm Đảng trực tiếp lãnh đạo để tăng cường khả năng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN. Trong 3 năm (2013 – 2015), BCĐ đã tổ chức 9 phiên giao ban tình hình, thành lập 25 đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 15 đảng ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương và 29 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ; đề xuất, kiến nghị đưa 126 vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; đến nay nhiều vụ án, vụ việc được chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Trong đó, riêng các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương theo dõi, chỉ đạo, trong 2 năm 2014 và 2015 đã xét xử sơ thẩm 14 vụ với 149 bị cáo; toàn bộ 8 vụ án trọng điểm, BCĐ yêu cầu xét xử trước Đại hội XII của Đảng đã hoàn thành đúng tiến độ…
Năm 2016, BCĐ đã và đang triển khai 6 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm; trong đó, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, công khai kết quả về PCTN; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng tập trung cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về PCTN được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị; tăng cường kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng…
Thực tế trên cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh mạnh mẽ PCTN, xử lý nghiêm minh hành vi và tội phạm tham nhũng, không có “vùng cấm” trong PCTN. Đảng ta và tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Nếu để tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, kéo dài, Đảng sẽ tự suy yếu, “thế trận lòng dân” sẽ suy giảm, dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ và chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết PCTN, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”. Chủ trương đó thêm một lần nữa khẳng định, Đảng ta và Nhà nước ta đã và đang ngày càng đề cao quyết tâm chính trị, không ngừng đổi mới, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả PCTN.
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn phức tạp; bên cạnh đó, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế lên những giá trị đạo đức, quan niệm sống, nhân cách con người… làm cho tham nhũng vẫn còn “đất” để bám rễ, tồn tại. Đây tiếp tục là nguy cơ, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải quyết liệt, nỗ lực và hiệu quả hơn nữa trong PCTN. Bên cạnh đó, chúng ta cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở nước ta để thực hiện âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng và công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của nhân dân ta.




1 nhận xét:

  1. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa