Sự phát triển của Internet là thành
tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống
xã hội, mang lại tiện ích nhiều mặt cho con người, góp phần thúc đẩy sự phát
triển xã hội trên nhiều lĩnh vực, đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Tuy
nhiên, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng thành tựu đó để mạng lại
những tác hại không hề nhỏ. Nếu những người sử dụng Internet không vững vàng
trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn, thiếu thông tin chính
thống, khi tiếp xúc với những quan điểm sai trái, thù địch sẽ có những suy nghĩ
lệch lạc, dẫn đến mơ hồ, mất niềm tin. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống các
quan điểm sai trái, thù địch trên Internet là việc làm cần thiết đối với mỗi
chúng ta.
Hiện
nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường chống
phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi,
nham hiểm, xảo quyệt. Trong xu thế hiện nay, Internet được xem như một công cụ
lợi hại để thực hiện mưu đồ của chúng. Các chuyên gia về truyền thông của Mỹ
cho rằng: Làn sóng điện sẽ thay thế các thanh gươm, còn cây bút là phương tiện
đi vào trái tim, khối óc của những người đang sống. Với 01 USD chi phí cho tuyên truyền sẽ có tác dụng
bằng 05 USD trong đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị đã triệt để sử dụng những thành tựu và sự bùng nổ của công nghệ thông
tin để tăng cường chống phá Việt Nam .
Âm mưu xuyên suốt
của các thế lực thù địch là: Lợi dụng Internet để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin
xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; kêu gọi từ bỏ chủ
nghĩa Mác - Lênin, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta; truyền bá tư
tưởng tư sản vào các tầng lớp nhân dân; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh Chủ
tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chia rẽ khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mục tiêu
cuối cùng là đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt là trước
thềm đại hội đảng các cấp, các hoạt động chống phá càng gia tăng cả về cấp độ,
mật độ, tần suất và lưu lượng.
Để thực hiện âm mưu
đó, các thế lực thù địch thường sử dụng các thủ đoạn cơ bản đó là:
- Lợi dụng các sự kiện chính trị xã hội trọng đại của Đảng và đất nước,
thông qua Internet để tuyên truyền, chống phá.
Điểm lại chúng ta thấy, cứ vào dịp trước, trong và sau khi đại hội đảng
các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc hoặc các sự kiện chính trị xã hội trọng đại của
đất nước, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lại tung ra đủ loại
thông tin xấu độc xuyên tạc chống phá Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Chúng gia
tăng các hoạt động tán phát thông tin, hình ảnh có nội dung phản động, độc hại
lên website, blog, mạng xã hội, diễn đàn rồi bình luận, thổi phồng sự thật, chúng
gây nhiễu thông tin, “bán tín, bán nghi”, gây hoang mang dư luận, hạ uy tín
lãnh đạo, hướng sự công kích vào một số cán bộ lãnh đạo cấp cao theo kiểu “đồn
nhảm”, dựng chuyện, kích động gây rối… Tạo dư luận và tâm lý hoài nghi của một
bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Chúng sử dụng Internet để đẩy
mạnh tuyên truyền, tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp dưới
vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”,
“diễn đàn dân chủ” đứng lên hô
hào đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”; “tôn giáo” ở Việt Nam.
Chúng gieo rắc, nuôi dưỡng và kích động các trào lưu cơ hội, xét lại hữu khuynh
dưới chiêu bài "chung sống hòa bình", "phi hệ tư tưởng
hóa"... để tạo ra sự xung đột trong tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân
dân đối với chủ nghĩa xã hội.
- Lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam và những vấn đề còn tồn tại trong phát triển kinh tế xã
hội của đất nước, trên các trang mạng xã hội
xuất hiện nhiều bài viết, "thư ngỏ", "kiến nghị" với lời lẽ
phủ nhận lịch sử, phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta
trong phát triển đất nước, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của
Nhà nước ta trên các lĩnh vực. Kích động, kêu gọi đòi “tự do sáng tác”, “tự do
công bố” các tác phẩm văn học, đặt hàng viết bài đưa lên các mạng xã hội, blog
cá nhân để tuyên truyền kích động chống phá đất nước. Chúng khuyến khích tham gia Facebook với luận điệu “Mỗi người viết
Facebook là một nhà văn, nhà báo, một nhà tổ chức sự kiện và cũng là một tổng
biên tập tự do thực sự”.
- Lợi dụng những căng thẳng về vấn đề Biển Đông để tuyên truyền, kích
động nói xấu Đảng, Nhà nước và Quân đội, tạo sự mơ hồ, mất cảnh giác, nhầm lẫn
giữa bạn với thù, đối tượng và đối tác.
Trên các trang mạng phản động, các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên
truyền, bôi nhọ, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chúng phản đối việc giải
quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng
luật pháp quốc tế của Việt Nam .
Chúng kêu gọi biểu tình, bề ngoài là để thể hiện lòng yêu nước nhưng thực chất
là lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc đường lối đối ngoại và chủ trương, giải
pháp của Đảng, Nhà nước, chúng rêu rao Đảng, Nhà nước, Quân đội “hèn nhát”, không
có biện pháp cứng rắn, đáp trả hành vi vi phạm chủ quyền trên biển của Trung
Quốc, kích động dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp; lôi kéo, kêu gọi Việt Nam
tham gia các liên minh quân sự...
Luận điệu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch
trên Internet không có gì mới nhưng thủ
đoạn sẽ ngày càng tinh vi, nham hiểm và quyết liệt hơn. Chúng bám sát tình
hình, “chớp” thời cơ, lợi dụng những sơ hở và hạn chế, bất cập trên các lĩnh
vực kinh tế, chính trị, xã hội, QPAN và đối ngoại để xuyên tạc, bịa đặt làm rối
loạn tình hình, làm cho thật, giả, trắng, đen lẫn lộn, gây nghi ngờ, hỗn loạn
trong nội bộ ta... Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin
đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi cá nhân, tổ chức và được khai thác
với nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều, yêu cầu đặt ra phải xác
định đúng hướng và phải có những biện pháp phù hợp nhằm nhân diện và đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù
địch trên Internet, trong đó cần phải thực hiện tốt
một số nội dung sau:
Một là, Nâng cao
chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân có nhận thức đúng
đắn và là một chiến sĩ tiên phong phản bác lại các luận điệu sai trái của các
thế lực thù địch.
Với tính đặc thù của phương thức đấu tranh tư tưởng nói chung và đấu
tranh tư tưởng trên Internet nói riêng, vũ khí tối ưu nhất vẫn là tạo “sức đề
kháng”, “tạo được hệ miễn dịch”, xây dựng niềm tin và bản lĩnh chính trị vững
vàng cho mỗi người có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù
địch. Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và
thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị
34 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa X) gắn với yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống
“DBHB” trong tình hình mới; tổ chức tốt học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trong tuyên truyền,
giáo dục cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch
trên Internet; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy
hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái, thù địch đó đối với cán bộ, đảng
viên và quần chúng. Cung cấp những kiến thức cần thiết, những thông tin định
hướng chính thống, chính xác, đáng tin cậy để mọi người có thể tự sàng lọc,
loại bỏ những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, không để xảy ra
hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch lôi kéo, móc nối; kiên
quyết đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm, tư tưởng sai trái. Thực hiện nghiêm
túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, trang bị phương pháp tiếp cận
thông tin trên Internet một cách khoa học và đúng đắn.
Hai là, Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị
tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên Internet
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên Internet là cuộc
chiến không khói súng, cuộc cách mạng của cả nền chuyên chính chống lại bọn
phản động mà đối thủ nhiều khi không lộ diện, tính chất rất khó khăn và phức
tạp. Chính vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể
nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia
cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức cơ sở đảng cần tăng
cường tổ chức sinh hoạt, sử dụng phương pháp tuyên truyền để thông tin kịp thời
tình hình và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên trong phạm vi
tổ chức của mình nâng cao nhận thức chính trị đấu tranh phê phán các quan điểm
sai trái của các thế lực thù địch; đồng thời tăng cường công tác quản lý đảng
viên, hội viên, trong đó cần quản lý chặt chẽ về tư tưởng chính trị theo nhiệm
vụ đã được quy định.
Ba là, Đẩy mạnh hoạt động đấu tranh trực diện của
các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình
Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén và là
lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái,
thù địch trên Internet. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, nếu như
chúng ta không tích cực, chủ động cung cấp thông tin thì vô hình chung sẽ tạo
nên khoảng trống cho sự tồn tại của các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc. Cung cấp
thông tin chính thống một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ là sự
phản bác có hiệu quả nhất, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu cần
thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù
địch.
Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cần bám sát nhiệm vụ chính
trị; mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về đấu tranh chống “DBHB”, đặc biệt
là trước các thông tin sai trái, thù địch trên Internet. Sớm khắc phục tình
trạng sai tôn chỉ, mục đích trên một số tờ báo, tạp chí, đưa quá nhiều mảng tối
của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để địch dễ dàng lợi dụng, khai thác
thông tin, nói xấu chế độ. Cần tỉnh táo, thận trọng trong việc xử lý thông tin,
nhạy bén chính trị, chặn lọc những thông tin xấu, độc, với động cơ đen tối, gây
nhiễu, ảnh hưởng xấu đến nhận thức của xã hội. Điều đó đòi hỏi những người làm báo
không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bám sát
thực tiễn của công cuộc đổi mới, gắn bó máu thịt với nhân dân, sáng tạo những
tác phẩm báo chí thấm đậm tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn.
Bốn là, Phát triển lực lượng, sử dụng các biện pháp
kỹ thuật trong đấu tranh trên Internet
Cần chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ mở rộng và phát triển
lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet. Hình thành các trang Web cá
nhân của lực lượng nòng cốt, tổ chức nhiều Blogger thân thiện để đấu tranh trực
diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Có thể
thành lập một số website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi
các ý kiến, quan điểm khác biệt. Chúng ta có điều kiện trực tuyến tranh luận,
giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những
quan điểm thù địch, chống đối chế độ.
Xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức
mạnh, quản lý kết nối mạng an toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng có
hiệu quả các biện pháp kỹ thuật chặn lọc thông tin, ngăn chặn các trang web,
blog đăng tải những thông tin sai trái, thù địch, có nội dung phản động. Quản
lý chặt chẽ các trang mạng xã hội, blogger; tăng cường các lực lượng và triển
khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đấu tranh phản bác những quan điểm, tư
tưởng, thông tin, luận điệu sai trái, không để các thế lực thù địch lợi dụng
Internet để chống phá ta.
Phòng, chống "diễn biến hòa bình" là một nhiệm vụ hàng đầu
của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay và có ý nghĩa sống còn với sự
nghiệp cách mạng của nước ta. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống các quan điểm
sai trái, thù địch trên Internet là một biện pháp quan trọng nhằm đánh bại
"diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét