Các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam, thông qua chiến lược “Diễn biến
hoà bình” đã và đang lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để gây bất ổn về an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng
nhìn nhận tôn giáo ở Việt Nam như một lực lượng chính trị có thể “đối trọng” với
Đảng Cộng sản Việt Nam và luôn xác định vấn đề “tự do tôn giáo” là nguyên cớ để
chống Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi
sự quản lý của Nhà nước và đang hậu thuẫn cho một số đối tượng chống đối trong
các tôn giáo cả về tinh thần và vật chất, phục vụ cho âm mưu sử dụng tôn giáo
làm lực lượng thúc đẩy nhanh tiến trình “dân chủ hoá” theo kiểu phương Tây nhằm
làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Chính sự hậu thuẫn này là nhân tố
kích động số phần tử cực đoan, quá khích trong tôn giáo có thái độ thách thức với
chính quyền, như: ý đồ thành lập “Ủy ban liên tôn chống cộng”, “Hội đồng liên
tôn”, “Hội đồng Nhân quyền”,... lôi kéo tín đồ, tụ tập đông người, xúi giục biểu
tình, gây rối, bạo loạn, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp. Các thế lực thù địch,
phản động bên ngoài tự nhận là bảo vệ dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo dùng
chiêu bài dân chủ, quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước
khác, trong đó có Việt Nam; ban hành nhiều đạo luật về vấn đề tôn giáo quy định
các chế tài chống lại các nước mà họ cho là “vi phạm tự do tôn giáo”. Hạ Viện Mỹ
liên tục thông qua các Dự luật và Nghị quyết liên quan tới tình hình thực thi
nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có vấn đề tôn giáo, như: Dự luật HR 1587 (năm
2004), HR 3096 (năm 2007), HR 1410 (năm 2012), HR 1897 (năm 2013), Nghị quyết
H.Res.484, Nghị quyết về nhân quyền Việt Nam của Nghị viện châu Âu,… Nhiều
chính khách Mỹ, khi tiếp xúc với Việt Nam luôn đặt vấn đề “cải thiện quyền con
người”, đòi “tự do tôn giáo”. Quốc hội Mỹ đã ra một số nghị quyết và tổ chức
nhiều cuộc điều trần về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Các lần đối thoại nhân quyền
Việt - Mỹ, Việt Nam - EU gần đây, vấn đề tôn giáo luôn được Bộ Ngoại giao Mỹ
quan tâm và chất vấn, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ đã khuyến
cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan
tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh
các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước ta, như: lập ra “Chính phủ
Đề-ga” lưu vong, “Chính phủ Khơ-me tự do”, kích động khuynh hướng ly khai dân tộc,
đòi thành lập các khu tự trị như “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Đề-ga độc
lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khơ-me - Crôm độc lập” ở Tây Nam Bộ, “Nhà nước
Chăm độc lập” ở Nam Trung Bộ. Chúng gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo, sử dụng
các phần tử xấu trong các dân tộc và tôn giáo chống lại cách mạng. Hầu hết những
cuộc gây rối, bạo loạn ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vừa qua đều gắn
với vấn đề tôn giáo, sử dụng tôn giáo làm phương tiện tập hợp lực lượng để chống
chính quyền. Đáng lo ngại là xuất hiện hiện tượng tín ngưỡng, tâm linh mới lạ
mang nặng mê tín dị đoan, phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu
số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên,... phá vỡ truyền thống văn hóa bản
địa và có ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,
như: hoạt động của nhóm Dương Văn Mình, Pháp Luân Công,... Một bộ phận chức sắc
tôn giáo và giáo dân có tư tưởng cực đoan, bị các thế lực thù địch, bọn phản động
lưu vong ở nước ngoài và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước cấu kết thực
hiện âm mưu dụ dỗ, mua chuộc những người khiếu kiện, kích động họ tham gia biểu
tình chống chính quyền; gắn tôn giáo ở Việt Nam với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”
và ra sức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vu cáo Việt Nam không có dân chủ,
nhân quyền, không có tự do tôn giáo và chúng cho rằng Việt Nam có tình trạng
đàn áp và bắt bỏ tù những người hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo, đấu
tranh cho dân chủ, nhân quyền, v.v.
Dựa trên những thông tin không đúng sự thật, bằng cái nhìn sai lệch, định
kiến của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam với những luận điệu không mới
nêu trên là những việc làm sai trái, không phù hợp với pháp luật Việt Nam và Luật
pháp quốc tế. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc
thực hiện đầy đủ các quyền con người, không vi phạm “Tuyên ngôn nhân quyền” của
thế giới. Việc bảo đảm tự do tự do, tín ngưỡng ở Việt Nam được đặt trong tương
quan hài hòa với những yếu tố lịch sử - văn hóa của dân tộc, kết hợp với việc giữ
vững an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc. Cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới,
dân tộc Việt Nam
có quyền tự do "quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển
kinh tế, xã hội và văn hóa". Là thành viên có trách nhiệm của
Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới, Việt Nam luôn chia sẻ, tôn trọng các yêu cầu
và cam kết quốc tế về nhân quyền. Thực tế lịch sử Việt Nam cũng cho thấy, nhiều
tổ chức tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc
trong cuộc đấu tranh chống lại áp bức, bất công, giành lại nền độc lập dân tộc,
và ngày nay đang nỗ lực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong tình hình hiện nay, nhất quán với quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách đảm bảo
cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi, góp phần làm thay đổi căn bản
đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nòng cốt là cơ quan quản lý nhà nước về tôn
giáo ở các cấp cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động
thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và
ngoài nước hiểu và thực hiện đúng chính sách tôn giáo ở Việt Nam; kịp thời vạch
trần âm mưu, thủ đoạn, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần loại
bỏ những cách nhìn thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Góp phần
vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét